Các ô thơ văn viết tráng men pháp lam, đắp ngoã sành sứ trên kiến trúc cung đình được bảo tồn (Ảnh: Trung tâm BTDT)

“Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới đánh dấu di sản thứ 5 do triều Nguyễn để lại và là di sản thứ 7 trên vùng đất Cố đô ở các lĩnh vực: Di sản Văn hoá, Di sản Phi vật thể, Di sản tư liệu được các tổ chức thuộc UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Mới đây, Thừa Thiên Huế có di sản thứ 8 được công nhận Di sản Thế giới sau khi Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế) đã được MOWCAP công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 8/5/2024 tại Ulan Bata, Mông Cổ.

 Thơ văn được khảm cẩn ngà voi và xương ở nội thất điện Long An (Ảnh: Trung tâm BTDT)

Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.

Các chuyên gia từng nhận xét: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

Đến nay, hệ thống vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy.

LIÊN MINH