Công an phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Ảnh: Minh Châu

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền

Nhằm lan tỏa thông tin về TGPL, Sở Tư pháp phối hợp với các cấp, các ngành đa dạng hóa các hoạt động truyền thông như phát sóng thông điệp, tiểu phẩm về TGPL; xây dựng các tờ gấp và tài liệu pháp luật TGPL; tổ chức các đợt truyền thông điểm về TGPL cho người dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Ở địa phương, ngành tư pháp bằng nhiều phương thức khác nhau, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, tuyên truyền hướng đến mục tiêu giúp người dân, đối tượng thuộc diện TGPL biết đến hoạt động TGPL của Nhà nước.

Đáng chú ý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện truyền thông theo từng chuyên đề hướng tới các đối tượng là người khuyết tật, trẻ em… đã giúp lan tỏa thông tin tới người dân, đối tượng thuộc diện được TGPL. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Thị Minh Nguyệt chia sẻ: Bên cạnh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội nhằm hỗ trợ đời sống vật chất cho người khuyết tật, sở cũng nỗ lực thực hiện để người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, nhất là quyền được tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật; do đó, hằng năm tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyên đề. Qua đó, tuyên truyền phổ biến các văn bản luật, chính sách về người khuyết tật để đội ngũ phụ trách lĩnh vực người khuyết tật nắm rõ trách nhiệm đối với người khuyết tật; để người khuyết tật và gia đình biết được quyền, lợi ích chính đáng của mình, góp phần giảm nhẹ triệu chứng, giúp đối tượng có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng cho biết, xác định pháp luật chính là công cụ trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhân dân, việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là để hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, giúp Nhân dân có hành vi ứng xử văn minh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội. Vì vậy, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, Ban Dân tộc cụ thể nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Qua đó, có tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc thực hiện pháp luật.

Hội LHPN các cấp xác định bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống, hoạt động xã hội... Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp hội LHPN tập trung chú trọng các hoạt động truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình và tư vấn, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực. Qua các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình, về kỹ năng sống, giáo dục các thành viên trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Góp phần cải cách tư pháp

Một lĩnh vực khác là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Những năm qua, chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm có từ 300 - 400 vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng thông qua phản hồi từ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người được TGPL có chất lượng tốt, nhiều quan điểm tranh tụng được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL. Không xảy ra tình trạng người thực hiện TGPL vi phạm pháp luật, bị khiếu kiện, khiến nại hoặc gây thiệt hại cho người được TGPL.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Sơn, thông qua các vụ việc TGPL, đội ngũ người thực hiện TGPL và trợ giúp viên pháp lý ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong trợ giúp người yếu thế tiếp cận công lý; góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Sở Tư pháp và ở các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL trong lĩnh vực tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và các lớp kỹ năng thực hiện TGPL cho các đối tượng dễ tổn thương; 100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành nghĩa vụ tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc theo quy định. Đến nay, trợ giúp viên pháp lý đã trở thành đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân; số lượng vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý tăng hàng năm.

Các cấp, các ngành tiếp tục hoạt động với định hướng tiếp tục lấy người được TGPL làm trung tâm, bảo đảm giúp người dân tiếp cận hoạt động TGPL kịp thời, thuận lợi, có chất lượng và ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó, tiến tới khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động TGPL là một trong những thiết chế bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

THÁI BÌNH