Các trường THCS lồng ghép tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp

Lựa chọn học nghề

Năm học này, sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, Thân Trọng Nhật Huy, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Hùng Vương không đăng ký thi vào lớp 10 như các bạn mà chọn cho mình hướng đi khác. Vốn có năng khiếu mỹ thuật, Nhật Huy dự định đăng ký học trung cấp mỹ thuật. “Em học văn hóa không tốt nên chọn cho mình hướng nghề nghiệp khác để sau này có công việc thuận lợi, phù hợp với sở trường. Ba mẹ em cũng ủng hộ quyết định của em”, Nhật Huy chia sẻ. 

Cùng chung lựa chọn nghề nghiệp như Nhật Huy, Huỳnh Ngọc Phương Nhi, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Hùng Vương cho hay, việc học của em cũng không tốt nên sau khi tốt nghiệp THCS, em sẽ đi học nghề làm tóc, trang điểm để có thể sớm phụ giúp gia đình. Ý thức được năng lực của mình, Phương Nhi cho rằng, đây là lựa chọn tốt nhất cho tương lai của em.

Ngày 16/5, các em học sinh lớp 9 vừa hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Tại Trường THCS Hùng Vương, có 28 học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 công lập, trong đó có nhiều em sẽ lựa chọn đăng ký vào các trường nghề. Trong năm học, nhà trường đã thực hiện các buổi tư vấn tuyển sinh để định hướng phân luồng bậc THCS.

Bà Mai Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho hay: “Nhà trường quán triệt giáo viên chủ nhiệm tư vấn kỹ cho học sinh lựa chọn đăng ký thi vào các trường THPT dựa theo năng lực, điều kiện và sở thích. Em nào học lực yếu thì tư vấn, giới thiệu cho các em học nghề. Nhiều trường nghề cũng đã đến tư vấn tuyển sinh tận các lớp học. Bên cạnh đó, chương trình hướng nghiệp của trường cũng lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho các em. Thầy cô chỉ phân tích, quyền quyết định thi hay không thi vào lớp 10 hoàn toàn do học sinh, phụ huynh lựa chọn”.

Giúp học sinh có hướng đi phù hợp

Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn. Các trường THCS đã tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ về bản thân và lựa chọn hướng đi phù hợp. Giáo viên là người gần gũi và hiểu rõ sở trường, điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh nên có thể đưa ra những tư vấn, định hướng phù hợp cho các em sau khi tốt nghiệp THCS. Những em học tốt, giáo viên tư vấn lựa chọn các trường THPT có điểm tuyển sinh phù hợp. Học sinh nào có năng lực học tập yếu, kém hơn giáo viên khuyên nên lựa chọn con đường học nghề để giảm áp lực thi cử.

Từ sự định hướng của nhà trường, đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách thực hiện. Nếu trước đây, đa phần học sinh đều đăng ký thi vào lớp 10, khi không đỗ mới tính đến chuyện học nghề, thì nay, nhiều em đã ý thức được khả năng của bản thân để quyết định hướng đi tương lai từ sớm.

Để bảo đảm hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thời gian qua, các trường THCS đã đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp.

Giải pháp hữu hiệu nhất là khơi thông nhận thức về phân luồng học sinh sau THCS. Không chỉ nhà trường, giáo viên nâng cao nhận thức mà phụ huynh, học sinh cũng phải hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, vào đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Điều quan trọng nhất là các em cần lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình.

CÁT AN