Nắng nóng tác động mạnh đến sức khoẻ của những lao động làm việc ngoài trời. Ảnh: Getty Image |
Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhiệt độ đang phối hợp với chính quyền tại Miami, Melbourne, Dhaka, Freetown và Athens để trồng cây, lắp đặt đài phun nước và giúp người dân hiểu rõ hơn về tác động của nhiệt độ cực cao đối với cơ thể con người.
Mới được thiết lập từ 3 năm trước, nhưng nhiệm vụ của các cơ quan điều nhiệt ngày càng trở nên cấp bách hơn do lượng khí thải làm nóng hành tinh - phần lớn là từ việc sử dụng than, dầu và khí đốt - đang không ngừng tăng lên, đẩy nhiệt độ toàn cầu vào “vùng lãnh thổ chưa được khám phá”.
Năm ngoái đã là năm nóng kỷ lục và nghiên cứu mới cho thấy sức nóng mùa hè dữ dội ở bán cầu bắc đã khiến đây trở thành mùa hè ấm nhất trong khoảng 2.000 năm qua, cung cấp thêm bằng chứng về điều mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi là “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu”.
Năm nay, các đợt nắng nóng đã tàn phá một số quốc gia ở châu Á, cướp đi nhiều sinh mạng, làm gián đoạn giáo dục và gây tổn hại đến sinh kế người dân. Ở châu Âu, nơi có tới 61.000 người có thể đã chết trong các đợt nắng nóng năm 2022, người dân đang chuẩn bị đối mặt với nhiệt độ cao hơn nữa trong những tháng hè sắp tới.
Bà Krista Milne, đồng Giám đốc cơ quan quản lý nhiệt độ của Melbourne, cho biết mặc dù tần suất diễn ra ngày càng tăng nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của nắng nóng cực độ.
“Ở Australia, cũng như trên khắp thế giới, nắng nóng giết chết nhiều người hơn bất kỳ mối nguy hiểm tự nhiên nào khác, nhưng mọi người không hiểu rằng đó là một vấn đề cần lưu tâm và do đó, không chuẩn bị cho tình huống này”, bà Milne nói.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ cực cao có thể gây đột quỵ do sốc nhiệt hoặc suy thận và làm trầm trọng thêm các bệnh về tim hoặc hô hấp. Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, nông dân và người làm việc tự do là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước nghèo.
Một báo cáo hồi tháng 4 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết mỗi năm có gần 23 triệu lao động bị tổn hại sức khỏe và khoảng 19.000 ca tử vong do làm việc trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt vượt ngưỡng chịu đựng.
‘Kẻ giết người thầm lặng’
Các vị trí giám đốc của các trung tâm quản lý nhiệt độ được thành lập thông qua sáng kiến của Trung tâm phục hồi của Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller có trụ sở tại Mỹ. Trung tâm này cho biết đến năm 2050, sóng nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu – trong đó 50% ở các trung tâm đô thị.
“Nhiệt độ cao là mối đe doạ khí hậu nguy hiểm nhất. Đó là một kẻ giết người thầm lặng”, bà Elissavet Bargianni, Giám đốc trung tâm quản lý nhiệt độ của Athens (Hy Lạp) cho biết.
Thành phố này là thành phố đầu tiên ở châu Âu xếp hạng các đợt nắng nóng từ Loại 1 đến Loại 3, giúp người dân quyết định nên ở trong nhà hay cần hủy bỏ các sự kiện thể thao ngoài trời. Bảng xếp hạng này cũng giúp các quan chức đánh giá liệu có cần tạm thời đóng cửa các địa điểm du lịch như Acropolis cổ đại hay không.
Các thành phố thường ấm nóng hơn vài độ so với các khu vực nông thôn lân cận vì nhiệt bị giữ lại trong các cụm bê tông dày đặc, đường sá và tòa nhà tối màu, tạo ra hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” (UHI), nghĩa là một khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh, ngay cả vào ban đêm.
Theo Cơ quan Môi trường của Liên minh châu Âu (EEA), gần một nửa số trường học và bệnh viện ở các thành phố châu Âu nằm ở các “đảo nhiệt đô thị” - những khu vực ấm hơn ít nhất 2 độ C so với mức trung bình của khu vực.
Tại Sierra Leone, trung tâm điều nhiệt đã phối hợp với chính quyền xây dựng mái che cho những khu chợ ngoài trời lớn nhất thành phố, cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 2.300 phụ nữ bán hàng ở đây và giúp sản phẩm của họ được bảo quản lâu hơn.
Tại Melbourne, nơi nắng nóng khiến nhiệt độ tăng vọt lên khoảng 39 độ C hồi tháng 3 vừa qua, Hội đồng thành phố đặt mục tiêu trồng 3.000 cây xanh mỗi năm để tăng cường khả năng phục hồi của các khu vực rừng và làm mát thành phố, đồng thời đề xuất một quy tắc quy hoạch mới yêu cầu các tòa nhà trong tương lai phải có một lượng cây xanh nhất định tùy thuộc vào quy mô của công trình.
Bà Milne cho biết mục đích của trung tâm là đảm bảo mọi quyết định về thành phố đều được xem xét qua “lăng kính nhiệt”.
Cùng với Melbourne và Athens, các thành phố ở Mỹ và ngày càng nhiều thành phố ở châu Á đã thành lập các trung tâm làm mát để giúp người dân thư giãn trong những đợt nắng nóng.
Một số thành phố cũng đã phát triển các ứng dụng chỉ cho người dân con đường đi bộ râm mát nhất giữa hai điểm, hoặc lập bản đồ các điểm nắng nóng để khuyến cáo cho người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất.