Nhiều cánh rừng phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế được chăm sóc, bảo vệ lên xanh, tạo thị trường tín chỉ carbon sôi động trong thời gian đến |
Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Hiện nay các tỉnh, thành có rừng cũng đang háo hức chờ đợi các hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành trong thực hiện các đánh giá để có thể đo đếm được số lượng tín chỉ carbon mình có được. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế mua - bán tín chỉ carbon rõ ràng, ai được bán và ai được mua để việc ký kết giao dịch được thuận lợi.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 12.400ha rừng trồng gỗ lớn là các loài keo và bản địa. Với diện tích này đã có hơn 11.920ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó có khoảng 940ha rừng tự nhiên; tỷ lệ độ che phủ rừng hơn 57%. Vì vậy, tỉnh cũng như các chủ rừng đang chờ đợi các chính sách sớm ban hành để thực hiện trước các bước cần thiết. Như vậy, khi thị trường tín chỉ carbon đi vào hoạt động, tỉnh Thừa Thiên Huế có thể tham gia một cách thuận lợi, khai thác nguồn tài nguyên sẵn có từ rừng, góp phần tăng nguồn thu để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Hiện trữ lượng carbon từ rừng tự nhiên của Thừa Thiên Huế rất lớn. Do đó, thị trường này sớm đi vào hoạt động sẽ là cơ hội lớn cho các chủ rừng ở địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, để có được tín chỉ carbon thì các tỉnh, thành, chủ rừng phải thực hiện các bước, như: đăng ký, kiểm định, đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận. Một tấn carbon tương đương một tín chỉ carbon. Đơn vị bán tín chỉ carbon là các chủ rừng và đơn vị mua là các tổ chức, doanh nghiệp có lượng xả thải khí nhà kính lớn. Theo cam kết về bảo vệ môi trường, các DN có phát thải lớn mà quá trình sản xuất không thể giảm khí thải được thì buộc phải mua các tín chỉ carbon để bù lại.
Hiện nhiều quốc gia đã đưa ra hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu là hàng hóa phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, giảm dần phát thải. Vì thế, các DN muốn đưa sản phẩm vào các thị trường trên buộc phải có kế hoạch giảm phát thải. Trong đó, nhiều DN sẽ chọn mua tín chỉ carbon để bù lại. Việc này tạo ra cơ hội cho các tỉnh, thành còn giữ được nhiều rừng tự nhiên.