Người dân thu hoạch cây tràm gió là nguyên liệu chính để chưng cất tinh dầu tràm. Ảnh: Ch.X

Năm 2022, nhận thấy thị trường và người tiêu dùng có nhu cầu lớn về nguồn dược liệu, HTX Dược liệu An Phát, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã ra đời. Với mong muốn có một sản phẩm chất lượng và có đầu ra ổn định cho cây tràm dược liệu, HTX tập trung xây dựng chuỗi sản phẩm như làm vườn ươm cây giống tràm dược liệu với số lượng 300.000 cây giống. Sau 1 năm trồng trên diện tích 4ha, đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất đạt 15 tấn/ha, giá thị trường hiện tại 4.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, để gia tăng chuỗi giá trị, HTX đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu tràm. Đến nay đã đưa ra thị trường sản phẩm tinh dầu tràm nguyên chất. HTX tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng tinh dầu để vươn ra thị trường trong nước với sản lượng lớn.

Ông Đặng Quang Chẩn, Giám đốc HTX Dược liệu An Phát cho biết, bên cạnh cây tràm dược liệu, định hướng những năm tiếp theo, HTX tiếp tục phát triển các cây dược liệu khác như cà gai leo, sâm ba kích… Trong năm 2023 đến đầu năm 2024, HTX cũng đã liên kết với 25 hộ dân trên địa bàn huyện trồng tràm dược liệu với diện tích 5ha.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình kinh tế mới của nhiều HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế, như HTX Nông nghiệp Điền Hòa (Phong Điền) với mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ heo thương phẩm; mô hình sản xuất giống lâm nghiệp phục sản xuất tại chỗ cho người dân của HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ (Phong Điền); HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) với đa dạng sản phẩm, mẫu mã mây tre đan; HTX Phù Bài (TX. Hương Thủy) với mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định...

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX đang bước đầu liên kết với các đơn vị khác đầu tư trang thiết bị, cở sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Các HTX bước đầu tìm kiếm được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, tránh được tình trạng tư thương ép giá, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bà con địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định. Một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả”, ông Doãn nhìn nhận.

Xác định nhóm nông, lâm, thủy sản là nhóm mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua các hội nghị, hội chợ, diễn đàn tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, HTX và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao.

Diệp Chi