Từng chi tiết nhỏ sẽ được đính kết khéo léo

Tỉ mỉ

Dùng chiếc kéo, Kim Anh cẩn thận cắt ra mảnh vải chấm bi nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, sau đó gấp lại và dùng keo dính dán thành hình chiếc gối. Nhẹ nhàng và khéo léo với chiếc nhíp đầu nhọn, chỉ một lúc sau, gối đã được cố định trên chiếc ghế tựa chỉ bé bằng nửa hộp diêm.

Tiếp tục say mê với các đồ vật nhỏ xíu, Kim Anh cho biết: “Xuất hiện đã từ rất lâu, thế nhưng với nhiều người, miniature hay còn gọi là mô hình thu nhỏ vẫn là bộ môn khá mới mẻ. Hiện nay, miniature thường được nhiều người yêu thích sản phẩm thủ công sưu tầm hoặc tự tay đính ghép, lắp ráp như dollhouse (ngôi nhà búp bê), roombox (nhà mô hình thu nhỏ) phù hợp với đời sống hiện đại”.

Biết đến thú chơi này hơn 2 năm nay, cô gái sinh năm 2000 vẫn yêu thích các sản phẩm miniature tự làm hơn những sản phẩm đã được lắp ráp sẵn. Không chỉ vì muốn tự tay đo đạc, cắt dán từng chi tiết nhỏ, niềm vui của Kim Anh còn đến từ hành trình làm và biến tấu nên các sản phẩm.

 

Kim Anh nói: “Dù rất mất thời gian và công sức nhưng thành quả mà mình thu được thật sự rất ý nghĩa. Từ đôi tay, mình có thể biến những tấm vải đơn điệu thành chăn, gối, nệm, đồ trang trí. Những mảnh gỗ, tấm bìa thành bàn, ghế, những cọng cỏ khô thành cây cối, thành tranh. Từng chi tiết nhỏ nhất cứ được lắp ghép dần, theo đó, niềm hạnh phúc với mỗi sản phẩm đã hoàn thiện cũng dâng đầy lên”.

Với những roombox nhỏ, Kim Anh chỉ mất từ vài ngày để đọc hướng dẫn, cắt ghép và lắp ráp các chi tiết. Những roombox lớn và phức tạp hơn, thời gian để cô gái trẻ hoàn thiện mô hình được tính bằng tháng. “Từ khi đam mê bộ môn này, mình rèn luyện được rất nhiều, cùng với tính tỉ mỉ và kiên nhẫn, mình còn có thể mở rộng sức tưởng tượng. Bởi thế, có nhiều mô hình đơn thuần làm theo hướng dẫn, nhưng vẫn có rất nhiều chi tiết mình tự tìm tòi các vật liệu tái chế, từ đó thêm thắt cá tính và lựa chọn của bản thân vào đó”, Kim Anh chia sẻ.

Hấp dẫn

Chung niềm yêu thích với miniature, nhưng khác với Kim Anh, bộ sưu tập của Trang Anh lại nghiêng về sở thích sưu tầm, bài trí. Trước đây, mô hình roombox, dollhouse có sẵn thường khó kiếm vì được sản xuất ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh và độ phổ biến chưa cao. Sau này, khi bộ môn miniature được nhiều người yêu thích và sưu tầm, nhiều nhãn hàng trong nước cũng đã tạo ra các sản phẩm roombox, dollhouse đẹp và tinh xảo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trang Anh nói: “Biết đến bộ môn này thông qua các hội, nhóm, mình rất thích các phiên bản roombox, dollhouse mang đậm hơi thở và cuộc sống thường nhật như xe nước mía, quầy tạp hóa. Khi bày trí và ngắm nhìn các sản phẩm này, mình thấy rất dễ thương, tinh thần cũng được thư giãn hơn rất nhiều sau những lúc làm việc căng thẳng”. Hiện nay, với sự đa dạng của các mô hình, người chơi miniature có thể tiếp cận bộ môn này với nhiều mức giá khác nhau, từ tiền trăm, tiền triệu và cũng có thể là 0 đồng.

Trang Anh cho biết: “Theo mình, đó cũng chính là sức hấp dẫn của miniature. Dù bạn có thời gian hay không, bạn là nam hay nữ, chỉ cần yêu thích và bỏ công sức, bạn có thể tạo nên không gian thu nhỏ mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Khi chưa đủ điều kiện thì có thể tự tay làm các mô hình rừng núi, phong cảnh, các căn nhà bằng vật liệu sẵn có. Khi có điều kiện hơn thì tiếp cận các mô hình tinh xảo, chi tiết đắt giá, tỉ mỉ hơn. Dù với hoàn cảnh nào, miniature vẫn rất công bằng và cân bằng”.

Để lan tỏa niềm đam mê với bộ môn này, không chỉ thường xuyên theo dõi các hội, nhóm miniature từ các trang mạng xã hội, Kim Anh đang ấp ủ dự định tổ chức những workshop làm mô hình thu nhỏ từ các vật liệu dễ tìm kiếm, vật liệu tái chế. “Mình hy vọng rằng, ngoài các mô hình được bày bán trên các sàn thương mại điện tử, những ai tiếp cận bộ môn này còn có thể tự tạo nên mô hình mang dấu ấn cá nhân từ gỗ vụn, vải, đá, đất sét tự khô, bìa giấy, vỏ bắp. Có như thế, cùng với sự đa dạng của các nguyên, vật liệu và hội, nhóm, miniature sẽ ngày càng được biết tới nhiều hơn”, Kim Anh nói.

Mai Huế