Huấn luyện viên Kiatisuk không đạt được một danh hiệu nào suốt 7 năm hai nhiệm kỳ ở Hoàng Anh Gia Lai và Công an Hà Nội. Ảnh: CAHN |
Với Kiatisuk cùng các cầu thủ ngôi sao đồng hương Thái Lan của anh như Dusit, Tawan và những hảo thủ của bóng đá Việt Nam, đội bóng của bầu Đức đã vô địch V-League 2 mùa giải liên tiếp, 2003 và 2004. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hoàng Anh Gia Lai xây dựng một hệ thống đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để đào tạo nên những tài năng của bóng đá Việt Nam sau này như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh...
Sau khi từ giã sân cỏ, Kiatisuk tiếp tục gắn bó với câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai trên cương vị HLV trưởng của đội bóng phố núi trước khi trở về Thái Lan để trở thành một HLV rất thành công với đội tuyển Thái Lan và U23 Thái Lan với thành tích nổi bật giành huy chương vàng SEA Games 2013 và vô địch AFF Cup 2014, 2016... Năm 2021, ông Đoàn Nguyên Đức một lần nữa mời Kiatisuk trở lại để dẫn dắt đội bóng chủ sân Pleiku với hy vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Ngay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai, HLV Kiatisak đã giúp đội bóng phố núi bay cao trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, không may cho HLV người Thái là mùa giải 2021 cuối cùng đã bị hủy vì đại dịch COVID-19. Sau đó, kể từ mùa 2022 và 2023 - 2024, đội chủ sân Pleiku luôn chật vật ở sân chơi V-Leagea...
Vào đầu năm nay, HLV người Thái Lan đã bất ngờ chia tay đội bóng phố núi để chuyển tới dẫn dắt Công an Hà Nội. Về quyết định bất ngờ này, Kiatisuk đã thổ lộ: “Tôi muốn đưa Công an Hà Nội trở lại cuộc đua vô địch, thậm chí là lần vô địch thứ 2 liên tiếp, giống những gì Hoàng Anh Gia Lai từng làm được. Ngoài ra, mục tiêu của tôi còn là đưa Công an Hà Nội tới đấu trường châu lục”. Nhưng chỉ sau 8 vòng đấu, huyền thoại bóng đá Thái Lan lại tiếp tục gây bất ngờ khi nói lời chia tay với đội bóng Thủ đô...
Như vậy, nếu như khi còn cầu thủ, Kiatisuk dễ dàng thành công ở V-League thì trên cương vị cầm quân, ông đã không đạt được một danh hiệu nào suốt 7 năm hai nhiệm kỳ ở Hoàng Anh Gia Lai và Công an Hà Nội. Là một HLV đã khẳng định được uy tín khi cùng bóng đá Thái Lan vô địch các giải đấu cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng xem ra V-League là vùng đất chẳng lành với “Zico Thái”. Phải nói rằng, Kiatisuk là người quá hiểu bóng đá Việt Nam, ông còn là người nói tốt tiếng Việt, thậm chí là chơi guitar, hát nhạc Việt rất điệu nghệ. Với bản tính hòa nhã, khôn ngoan của mình, Kiatisuk chưa bao giờ đề cập những vấn đề về hậu trường của bóng đá Việt Nam với báo chí. Chính vì thế sự ra đi bất ngờ của một HLV quá hiểu về bóng đá Việt Nam như Kiatisuk cho thấy môi trường V-League vẫn đầy bất ổn với những HLV người nước ngoài.
Riêng CLB Công an Hà Nội, chỉ sau 2 mùa bóng đã thay liên tiếp 5 HLV trưởng. Trước Kiatisuk, cựu HLV đội U23 Việt Nam người Hàn Quốc Gong Oh-kyun cũng đã bất ngờ chia tay với đội bóng này. Nhìn lại lịch sử của V-League, HLV ngoại hiếm hoi đạt được thành công là ông Henrique Calisto của CLB Đồng Tâm Long An hay mới đây là HLV Popov ở CLB Thanh Hóa. Ngay như cố HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Riedl khi đến với V-League ở 2 CLB Hải Phòng và Khánh Hòa cũng là những ngày đáng quên. Hay như HLV người Pháp Herve Renard, người dẫn dắt Saudi Arabia thắng Argentina tại World Cup 2022, lại ra đi trong lặng lẽ mà không tạo được dấu ấn gì tại CLB Nam Định...
Cuộc chia tay của HLV Kiatisuk với V-League thực sự là một câu chuyện rất đáng buồn của bóng đá Việt. Điều này cho thấy, nền bóng đá nước nhà vẫn chưa thực sự “mở cửa” cho những phong cách, trường phái bóng đá mới mẻ từ bên ngoài. Đáng buồn hơn, đó là những “câu chuyện hậu trường” ngoài chuyên môn vẫn còn tồn tại âm ỉ trong nội tại làm V-League chưa thực sự là một giải bóng đá chuyên nghiệp như tên gọi...