Chợ Hà Thanh (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) rộng rãi và nhiều hàng hóa hơn tôi tưởng. Ngôi chợ rộng lớn kéo dài từ đầu đường nhựa cho đến giáp mặt đầm. Tháng Năm mùa gặt, đây là mùa của gạo mới, mùa cơm mới thơm lừng gian bếp nhỏ đây mà!

Thúng gạo đỏ của chị Chắt trong chốc lát đã hết veo. Chị đổ tiếp gạo từ trong bao tải ra, mùi gạo mới thơm dịu. Tôi đưa tay vốc một nạm, những hạt gạo có màu đỏ huyết dụ, dáng dài, nhỏ, còn nhiều cám, thơm đúng mùi gạo mới. Đó là một mùi thơm rất ngọt, nghe có cả mùi nắng, mùi gió, mùi cám đang ủ trong đó, cái mùi đồng quê tươi mới của hạt lúa mà những bao gạo ký đã đánh mất trong quá trình xay xát, đánh bóng hạt gạo và chất bảo quản. Chị Chắt cho biết loại gạo đỏ này có tên là Ngọc Nữ. Đúng là cái tên đẹp. Tên đúng như vật, dáng hạt thon dài như dáng những cô thiếu nữ.

Bán gạo ở chợ Hà Thanh gần bốn mươi năm nên chị Chắt rành về các loại gạo. Chị nói loại gạo đỏ này chỉ có ở miền đất cát ven biển, đầm phá, mà người ta trồng cũng ít chứ không phải đại trà. Giống lúa gạo đỏ này sống được ở những cánh ruộng sâu và chịu được nước nhiễm mặn, năng suất thấp nhưng bù lại hạt gạo chứa rất nhiều dinh dưỡng, càng nhai kỹ càng thấy ngọt và béo.

Tôi đưa tay sục vào thúng gạo của chị Chắt, những hạt gạo ấm nóng, cám bám đầy tay. Chị Chắt bảo “Lúa mới mùa này đó em, cám còn đầy cả tay thấy không. Về nấu cơm gạo mới, ăn ngon là thưởng cho chị nghe”. Đi chợ mà cười thiệt nhiều, giảm đi cái nóng nực của mùa hè, ở đâu còn có cảnh mua bán vui vẻ như thế này ngoài chợ quê.

Của ngon, của lành nên tôi cũng mua gửi bạn bè người vài lon nấu ăn thử cho biết gạo nước mặn làng biển Phú Vang. Còn tôi, từ khi vo gạo đã thấy “ngon” rồi. Nước đậm đặc, có màu đỏ nhẹ, biết các loại vitamin trong gạo đều nằm ở lớp vỏ cám, nên thiệt tình là tôi cũng không dám vo mạnh, sợ hết màu đỏ, nhưng làm sao hết được, hạt gạo đỏ này là đỏ từ trong ruột đỏ ra. Cơm vừa sôi thì mùi thơm đã bay khắp nhà. Cơm chín, mùi thơm càng đậm đà, ngọt ngào hơn. Cơm gạo đỏ khi chín hạt cơm không dính mà rời nên ăn với canh thì không ngon bằng ăn với cá kho khô, đây gần như bài học thuộc lòng mà ai cũng biết. Tôi biết “bài” này nên đã mua một mớ cá nục Thuận An tươi rói, con mắt còn trong, về kho khô. Kho xoong cá với lửa liu riu cho đến khi quẹo, con cá thấm đều gia vị, bóng mướt và thơm lừng mùi ớt xanh. Cả nhà tôi đã có một bữa cơm gạo đỏ ngon lành đúng bài bản.

Lịch sử gạo đỏ nước mặn ở các làng ven biển, ven phá ở Thừa Thiên Huế gắn liền cùng với lịch sử khai canh lập làng từ khoảng thế kỷ XV của các bậc tiền nhân, khi những tướng lĩnh, lính tráng trong đoàn quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông xin dừng chân nơi đây. Cây lúa đứng vững ở vùng đất cát này là một hành trình gian nan và đầy quyết tâm của nhiều thế hệ truyền đời. Đất khó đến độ ruộng ở đây có nhiều tên gọi: ruộng nại, ruộng đồng, ruộng hà và ruộng ô... Những giọt mồ hôi mặn đã cho kết quả ngọt, lúa nước mặn được ghi tên trong Quốc sử quán Triều Nguyễn: “Lúa nước mặn (hàm thủy đạo) hạt to, có dằm, gạo đỏ, tháng Mười Một cấy, tháng Tư chín, ưa ruộng sâu và có nước mặn lên xuống”.

“Bưng bát cơm ăn nhớ ơn người cày cấy”, bài học ấy tôi được học từ hồi nhỏ. Hạt lúa, củ khoai ở vùng đất cát ven biển, ven phá càng trĩu nặng mồ hôi hơn khi người nông dân ở đây không chỉ làm ruộng “một nắng hai sương” mà là “một nắng ba sương”, có thêm sương khuya của những buổi làm đêm, gánh nước tưới cây, lên vồng trồng sắn, trồng khoai... Tôi nhìn bát cơm gạo đỏ trên tay, nghe lòng mình xúc động, không như ngày thơ bé, bây giờ tôi đã hiểu hơn giá trị chén cơm gạo đỏ và cuộc sống của người dân ven phá, ven biển quê nhà.

Nguyễn Khoa Diệu Hà