Kiểm tra tôm tại mô hình nuôi ao tròn công nghệ cao |
Kết quả phân tích 13 điểm cấp nước nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá và hai điểm nuôi cá lồng tập trung của Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho thấy, đa số các chỉ tiêu trong nửa đầu tháng 5 đều nằm trong ngưỡng cho phép để nuôi trồng thủy sản.
Theo kết quả phân tích chất lượng nước vùng nuôi trồng thủy sản tại phường Thuận An (TP. Huế) và Lăng Cô (Phú Lộc) của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, chỉ số chất lượng nước cho nuôi trồng thủy sản đạt mức rất tốt, không phát hiện nguồn tảo độc.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, nhiệt độ tại một số điểm quan trắc vượt giới hạn nuôi thuỷ sản như tại thị trấn Sịa (Quảng Điền), Thuận An (TP. Huế), Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), Vinh Hưng, Giang Hải (Phú Lộc),Thủy Tân (Hương Thủy).
Điều này yêu cầu người nuôi cá lồng trên sông Đại Giang, các cơ sở nuôi ao cần kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên để có biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết bất thường, diễn biến phức tạp. Các cơ quan, chính quyền địa phương, cơ sở nuôi triển khai thực hiện và áp dụng các biện pháp nuôi trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng trên địa bàn.
Độ mặn tại thị trấn Sịa đạt 10%, cao hơn so với cùng thời điểm các năm trước, đảm bảo phù hợp để thả tôm và các đối tượng nuôi nước lợ mặn. Riêng độ mặn điểm Phú Xuân dao động 4-5%o, còn khá thấp và chưa ổn định nên bà con cần lựa chọn thời điểm có độ mặn cao hơn phù hợp để lấy nước vào ao.
Kiểm tra tôm nuôi giai đoạn đầu mới thả |
Một số điểm có độ mặn cao trên 30%o như xã Vinh Hiền (Phú Lộc), xã Phong Hải, Điền Hương (Phong Điền). Tùy điều kiện cụ thể cho phép, có thể tận dụng nguồn nước ngọt để bổ sung vào ao phù hợp với tốc độ phát triển của tôm, giảm mật độ vi khuẩn vibrio gây bệnh cho tôm.
Các điểm cấp nước cho nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Sịa, các xã Vinh Hiền, Điền Hương, Phong Hải có độ pH môi trường tự nhiên quá cao. Vì vậy, khi lấy nước vào ao, bà con lưu ý cần bón vôi dolomite, canxi cacbonat, các loại men vi sinh định kỳ để duy trì mật độ tảo, ổn định độ pH và không dao động quá 0,3 đơn vị trong ngày.
Chất lượng nước thải lấy mẫu đại diện tại Công ty Thuận Phước và Công ty CP. Farm có mật độ coliform cao so với giới hạn cho phép. Các địa phương có nuôi tôm trên cát ven biển cần quản lý hoạt động xả nước của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, dự báo tình trạng nắng nóng thời gian đến tiếp tục có thể xảy ra, đan xen thời tiết thay đổi đột ngột trong thời điểm giao mùa nên tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp.
Người nuôi cần chú ý áp dụng thường xuyên các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Các cơ sở nuôi cần lấy nước qua túi lọc dày vào ao lắng (ao xử lý) lúc thời điểm đỉnh triều. Kiểm tra các yếu tố môi trường trong nước ở ao nằm trong ngưỡng phù hợp theo tiêu chuẩn trước khi cấp vào ao nuôi với độ sâu thích hợp từ 1,2-1,5m.
Các hộ nuôi bón vôi dolomite, hoặc canxi cacbonat và các loại vi sinh để ổn định pH nước trong ngày, giữ màu nước ổn định, không để xảy ra trường hợp tảo phát triển quá dày đặc, đặc biệt đối với ao nuôi tôm sú, tôm chân trắng.
Trong điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến thời tiết phức tạp, bất thường cần nuôi trồng thủy sản với phương châm “Phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa”. Người dân cần xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định. Đồng thời, bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản.
Bà con cũng cần thực hiện thả nuôi giống tôm đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, đã qua kiểm dịch và mua giống tại cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.