Dự án Nhà máy Kanglongda Huế đang vận hành thử 

“Ngôi nhà mới” đã thành hình

Hoạt động đầu tư đang có những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án lớn đều đã và đang chạy đua tiến độ kịp thời đưa vào hoạt động trong năm 2024. Có thể điểm tên như: Dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn; Trung tâm thương mại Aeon Mall tại Huế; Nhà máy Kanglongda Huế. Sự phát triển của các dự án này sẽ tạo nên bước đệm, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngay trong tháng 4 vừa qua, Nhà máy xử lý rác Phú Sơn được khánh thành đưa vào hoạt động. Dự án được khởi công xây dựng từ cuối năm 2021, có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch hơn 11ha, công suất xử lý đạt khoảng 600 tấn rác/ngày đêm. Nhà máy này đưa vào hoạt động góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn xuống dưới 20%, giải quyết cơ bản vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tăng thu ngân sách địa phương năm 2024 phải kể đến dự án Nhà máy Kanglongda Huế của Công ty Kanglongda International Holdings Limited. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 4.812 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 35,6ha. Hiện tại, nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà xưởng, công trình phụ trợ, lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1 và đang vận hành thử. Dự kiến giai đoạn 1 dự án sẽ đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5/2024.

Ngoài ra, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall tại Khu A – KĐT An Vân Dương cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình vào cuối tháng 8/2024 và đến giữa tháng 9/2024 sẽ chính thức khai trương đưa vào hoạt động. Các dự án này khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho các đon vị tham gia hội nghị xúc tiến các hãng tàu Container tại Cảng Chân Mây 

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp, chính quyền đang triển khai rất nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư thúc đẩy dự án cũng như kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đầu tư vào địa phương. Theo đó, Thừa Thiên Huế đang tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho kinh tế địa phương.

Ngay trong những tháng đầu năm, công tác thu hút đầu tư cũng đã có những bước tiến. Khi tính đến cuối tháng 4, tỉnh đã cấp mới cho 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.272,5 tỷ đồng (trong đó có 8 dự án FDI với tổng vốn 33,2 triệu USD). Cụ thể, địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp có 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.011 tỷ đồng; ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp có 10 dự án với vốn đăng ký 1.261,5 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 5.234 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã tham gia đoàn công tác tham dự Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh luôn phấn đấu trở thành địa phương có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn khu vực miền Trung với những ưu đãi lớn, mặt bằng sạch, thủ tục hành chính cắt giảm. Việc thu hút đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng miền và làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển,... Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp trên địa bàn theo hướng nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư; từng bước hoàn thiện các thiết chế xã hội, tạo tiền đề để xây dựng đề án thành lập Đô thị Chân Mây - Lăng Cô theo định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác xúc tiến đầu tư sẽ gắn chặt với quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và lĩnh vực của tỉnh. Bảo đảm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức, dàn trải; thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Hoàng Anh