Chị Hoàng Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Bắc là cầu nối hiệu quả giữa NHCSXH với những hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS |
Theo chân chị Lan đến nhà chị Trần Thị Xẩy, thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc, chị Lan kể, trước đây, gia đình chị Xẩy thuộc diện hộ nghèo của thôn, hoàn cảnh khó khăn, chồng tàn tật. Chị Xẩy phải vất vả kiếm việc làm thêm vừa chăm con vừa lo bệnh tật, ốm đau cho chồng. Thấu hiểu những vất vả của chị em hội viên, năm 2010, chị Lan hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục giúp chị Xẩy vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để trồng 3ha cây tràm và keo. Phần còn lại, chị Xẩy mua 2 con bò giống để chăn nuôi thêm.
“Từ khi được chị Lan hỗ trợ để vay vốn, gia đình tôi có thêm động lực để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ 50 triệu đồng vốn vay ban đầu, đến nay gia đình tôi đã có lãi từ việc trồng tràm, keo. Ngoài ra, gia đình có thêm thu nhập ổn định hàng năm từ chăn nuôi heo, gà vịt và trồng các loại cây thu hoạch ngắn ngày như chuối, sắn... Nhờ đó, con cái được học hành đầy đủ, gia đình tôi cũng mạnh dạn xin thoát nghèo”, chị Trần Thị Xẩy chia sẻ.
Với vai trò là “cầu nối” giúp nguồn vốn ủy thác của NHCSXH huyện A Lưới trên địa bàn xã Hồng Bắc phát huy hiệu quả, nhiều năm qua, chị Hoàng Thị Lan luôn gắn kết hoạt động của hội với công tác tín dụng chính sách, thông qua nhiều chương trình cho vay vốn đa dạng, phong phú. Hội đã đứng ra nhận ủy thác với NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn làm ăn. Đồng thời, chị còn trực tiếp tham gia giám sát các tổ trưởng tổ tiết kiệm và hộ vay vốn (TK&VV) do hội quản lý, phối hợp với NHCSXH huyện và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ lãi tồn cao, trường hợp chậm trễ, hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú.
Đến quý 1, năm 2024, Hội LHPN xã Hồng Bắc thực hiện quản lý 5 tổ TK&VV với tổng dư nợ hơn 13.495 triệu đồng với 239 hộ vay, đặc biệt 5 tổ TK&VV của chị quản lý 99% hộ vay là đồng bào dân tộc nên phần lớn là hộ có trình độ dân trí thấp và kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do đó nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ gia đình có vốn để chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm được việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.
“Để quản lý tốt nguồn vốn vay, tôi thường xuyên tuyên truyền về chính sách ưu đãi của NHCSXH, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay. Nhờ có địa điểm giao dịch tại xã nên cũng thuận tiện cho các hộ vay, giúp tiết kiệm về thời gian, chi phí đi lại, việc thu lãi, thu nợ cũng được thực hiện tại điểm giao dịch xã nên thuận tiện hơn rất nhiều cho các hội viên”, chị Lan chia sẻ.
Nhờ thực hiện tốt việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các tổ viên chấp hành tốt quy ước hoạt động của tổ TK&VV, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều gia đình chị em thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH đã có điều kiện để phát triển kinh tế, gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình hoạt động, nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
3 năm liền vừa qua, chị Hoàng Thị Lan được Hội LHPN huyện và NHCSXH A Lưới tặng nhiều giấy khen vì có nhiều đóng góp trong công tác hội và việc thực hiện công thác ủy thác vốn tín dụng chính sách tại địa phương.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới cho biết, nhờ những người mang vai trò “cầu nối” như chị Hoàng Thị Lan, những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã phát huy được hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.