Học sinh nên chọn ngành nghề phù hợp với tính cách, sở thích. Ảnh: Bảo Phước

Tâm lý phổ biến của nhiều bậc phụ huynh hiện nay là muốn cho con vào Thành phố Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội học đại học. Không chỉ là những trường hợp ngành học không có ở Huế hay Đà Nẵng, học sinh giỏi cần vào các trường công lập hàng đầu thuộc Đại học Quốc gia, mà còn ghi danh vào học ở cả các trường tư thục với chi phí rất cao mà chất lượng đào tạo cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. 

Lựa chọn nghề (học ngành gì) và nơi học là quyền của mỗi cá nhân. Tuy vậy, suy cho cùng nó cũng không nằm ngoài các tiêu chí mang tính cơ bản, bao gồm sở nguyện và năng lực, môi trường học tập và điều kiện gia cảnh của mỗi người. Có thể thấy, khác với lựa chọn nghề, chọn trường cần chú ý đến môi trường học tập và hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Trong đó, với nhiều học sinh, không thể không tính đến vấn đề học phí và điều kiện đi lại.

Thực tế cho thấy, đã và đang có tình trạng chọn trường theo phong trào và từ áp lực tạo ra từ phía những bậc phụ huynh theo kiểu “gà hơn nhau tiếng gáy”. Theo tôi nghĩ, sau khi chọn được ngành (nghề) thì việc chọn trường là rất quan trọng. Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, có 5 tiêu chí khi chọn trường đại học. Đó là, có môi trường học tập; môi trường hoạt động ngoại khóa; chất lượng đầu ra của sinh viên; giá trị được công nhận của bằng cấp và chi phí học tập.

Học sinh ở Thừa Thiên Huế hay một số tỉnh, thành xung quanh có thuận lợi khi Huế được xem là một trung tâm giáo dục đại học hàng đầu quốc gia. Đại học Huế đào tạo đa ngành nghề, có bề dày truyền thống. Rõ ràng, không có sự cách biệt khi so sánh chất lượng đào tạo giữa Trường đại học Y Dược Huế với các trường đào tạo y dược ở Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí cả ở Hà Nội. Và đó cũng là lý do mà trong thời gian qua đã có nhiều học sinh đạt giải kỳ thi olympic quốc tế chọn Trường đại học Y Dược Huế.

Thế nhưng, với nhiều trường đại học khác thuộc Đại học Huế thì lại khác. Nhớ cách nay chừng 10 năm, con trai của anh bạn tôi chọn học ngành công nghệ thông tin. Em có điểm xét tuyển rất cao lại muốn học ở Huế nhưng cứ băn khoăn vì đầu vào của ngành học này ở Huế rất thấp, chênh lệch gần 10 điểm so với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, em đã chọn đi học xa rất tốn kém.

Vấn đề đặt ra là, Đại học Huế cần nâng cao chất lượng đào tạo ở một cơ sở và ngành nghề để giữ chân (học sinh địa phương) và thu hút các học sinh đến từ nhiều vùng khác nhau của đất nước.

ĐAN DUY