Rừng trồng kinh tế hiện mang lại hiệu quả cao cho người dân 

Thực tế, từ hàng chục năm trước, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo BĐKH sẽ gây ra nhiều thiên tai. Vì thế, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách ứng phó với BĐKH là trồng, bảo vệ rừng; giảm phát thải khí nhà kính; sản xuất, tiêu dùng xanh; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT)…

Đơn cử như, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5/6) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống sa mạc hóa và hạn hán” cũng một phần đã gửi gắm thêm thông điệp cho các quốc gia, các địa phương quan tâm đến việc giữ gìn và BVMT rừng.

 Huế là một trong những địa phương trong nước đi đầu trong việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng kể từ thời điểm Chính phủ có “lệnh” đóng cửa rừng tự nhiên. Từ đó, Huế luôn chú trọng công tác trồng, bảo vệ và giữ được nhiều rừng nhất khu vực, với hàng trăm nghìn ha; trong đó có trên 205 nghìn ha rừng tự nhiên. Đây là nguồn tài nguyên quý của tỉnh.

Rừng ở Huế nằm ở phía tây tỉnh nhà, thuộc địa bàn Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới…; trong đó phải kể đến rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã; các khu bảo tồn rừng ở các huyện nói trên… Những địa chỉ này được ví như “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho cả tỉnh và khu vực. Vì thế, giá trị của rừng ở Huế đóng góp cho môi trường là rất lớn. Điều này đã được một số tổ chức trong nước và quốc tế công nhận.

Giữ và phát triển được diện tích rừng lớn như trên trong nhiều thập niên qua là do có sự đồng lòng giữa chính quyền tỉnh, địa phương và các đơn vị, cá nhân chủ rừng. Bên cạnh việc chăm sóc, bảo vệ rừng thì các chủ rừng còn có phương án trồng thêm rừng trên những khu vực rừng nghèo, đất lâm nghiệp chưa có rừng để tăng tỷ lệ che phủ của rừng.

Lâu nay, chi phí cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đa số là từ ngân sách nhà nước (ngoại trừ một số tổ chức, dự án trong, ngoài nước hỗ trợ). Vì vậy, đã đến lúc nên khai thác các tiềm năng, lợi thế từ rừng để tái đầu tư cho rừng và trả công cho các chủ rừng đã trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để giữ rừng và khai thác kinh tế từ rừng hiệu quả thì cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, đồng nhất giữa các luật, nghị định, thông tư. Trong đó, tạo điều kiện, khuyến khích cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác những tiềm năng, lợi thế của rừng.

Ở Huế, nếu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách được tháo gỡ, tỉnh sẽ thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn đến thuê, khai thác phát triển du lịch sinh thái rừng. Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, công nghiệp, nuôi thủy sản (với rừng ngập mặn ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai) dưới tán rừng…

Sắp đến khi Việt Nam thành lập được thị trường tín chỉ carbon thì Huế được dự báo sẽ sôi động. Từ đó doanh thu từ rừng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương trong thời gian đến nếu tổ chức khai thác tốt.

Bài, ảnh: MINH HOÀI