Đại diện Bộ Chỉ huy và Sở Y tế động viên người bệnh

Sáng sớm tinh mơ, khi sóng biển vẫn còn ngái ngủ, nhưng trên những ngã đường đã nao nức, rộn rã bước chân. Hôm đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Quân y 268 Quân khu 4, triển khai chương trình kết hợp quân, dân y, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân khu vực biên giới xã Vinh Hiền; tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Khuôn viên Đồn Biên phòng Vinh Hiền, địa điểm tiếp đón người dân cũng nao nức, rộn rã màu áo quân phục xen lẫn blouse trắng và những nụ cười.

Các loại máy móc thiết bị y tế hiện đại để tầm soát bệnh tật; thuốc men, được vận chuyển từ thành phố Huế về từ hôm qua, đã sẵn sàng trong những phòng khám bệnh tinh tươm. Đội ngũ quân, dân y là những người giỏi, dày dạn kinh nghiệm. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, đích thân kiểm tra các khâu chuẩn bị trước lúc đón người dân.

 Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh trao quà cho người dân

Thượng tá Hoàng Minh Hùng xúc động nói rằng, không đếm hết lần lực lượng BĐBP tỉnh và y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Quân y 268 Quân khu 4 ngược dốc, ngược núi lên biên giới, xuôi về biển, phối hợp thực hiện khám, cấp thuốc miễn phí, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Những tâm huyết, tình cảm dành cho mỗi chuyến đi không bao giờ “cũ”, mà càng được đắp bồi. Bởi đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tô thắm thêm tình đoàn kết máu thịt giữa quân dân nói chung; giữa BĐBP tỉnh với Nhân dân khu vực biên giới nói riêng. Cũng là nơi để các lực lượng quân y, dân y trên địa bàn hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của Nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, ngư dân thực hiện vươn khơi, bám biển, mỗi người dân là một cột mốc biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển, đảo, biên giới của Tổ quốc.

Trên các dãy ghế nối nhau, những người đàn ông, phụ nữ mặt hằn in dấu vết thời gian, vất vả mưu sinh, “dấu vết” những mất mát không thể đong đếm khi người thân ruột thịt đã mãi mãi nằm xuống trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nụ cười và những bộc bạch tự đáy lòng của họ thật mộc mạc, ấm áp. Bà Trần Thị Chất (73 tuổi, hiện buôn bán cá, các loại mắm), có hai người anh là liệt sĩ; bà Ngô Thị Thanh Hương (sinh sống bằng nghề nấu tiệc phục vụ đám cưới) có ông nội đã hy sinh; ông Nguyễn Đối (77 tuổi) đang thờ cúng liệt sĩ (là anh trai đã ngã xuống trên mảnh đất Phú Lộc quê hương), bộc bạch rất xúc động trước tình cảm và sự tri ân của chính quyền địa phương, các đơn vị y tế, đặc biệt là của những người lính biên phòng.

 Tận tình giúp những người già đi lại khó khăn đến khu vực khám bệnh

“Bao năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng quân trên địa bàn, luôn hiện diện trong cuộc sống của địa phương, đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ người dân kịp thời. Khi bão lũ, nhà tốc mái, hư hỏng, các anh giúp sửa chữa để người dân sớm ổn định cuộc sống; giúp sửa chữa những công trình công cộng, hệ thống giao thông, điện chiếu sáng… Ngay cả giúp cá voi bị mắc cạn quay trở lại biển cả, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng tận tụy cùng ngư dân. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào những người lính. Hôm nay chắc chắn là một ngày thật đẹp” - ông Nguyễn Đối bày tỏ.

Trong ban mai ngập tràn ánh nắng, có một loại ánh nắng xuất phát từ cảm thông, yêu thương, tận tụy, khiến lòng người xúc động và mãi ấm áp. Đó là hình ảnh những người lính nhẹ nhàng dìu, đỡ nhiều cụ lưng còng, mắt kém, đi lại khó khăn đến khu vực khám bệnh và nhận thuốc. Thời gian khám, tư vấn cho các cụ có thể dài gấp đôi, thậm chí còn dài hơn thế nữa, nhưng những y, bác sĩ mang quân hàm xanh cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quân y 268 vẫn nhẫn nại lắng nghe, nhẹ nhàng tư vấn thật chu đáo. Đối với các cụ bị lãng tai, các y, bác sĩ sẵn sàng “rỉ tai” hàng chục lần, đến lúc người bệnh nở nụ cười hài lòng.

Trời về trưa, nắng càng lúc càng gay gắt. Chiếc quạt trần quay hết tốc lực, mà mồ hôi vẫn thấm ướt lưng áo blouse trắng. Dẫu vậy, nụ cười của Trung tá, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Hồng Minh, Trợ lý Quân y, Ban Quân y, Phòng Hậu cần BĐBP tỉnh; bác sĩ Nguyễn Minh Hành, Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế và những đồng chí, đồng nghiệp của mình vẫn rạng ngời thông điệp yêu thương và trách nhiệm. Họ là những người từng gắn bó keo sơn trong những chuyến ngược núi hành quân, khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất biên cương A Lưới, đặc biệt trong chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp Trung ương Hội LHPN Việt Nam; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, mang lại niềm tin, niềm vui, hạnh phúc cho hàng ngàn người dân A Lưới.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hành, một người trẻ mang nặng tình yêu biên cương, từng nhiều lần chung sức tại những chương trình “Tháng Ba biên giới” bày tỏ: Mỗi lần cùng tuổi trẻ BĐBP thực hiện những hoạt động ý nghĩa trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng, là thêm một lần chúng tôi cam kết với lòng mình, phải luôn nỗ lực, trau dồi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy, hết lòng để giành giật sự sống, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh nói chung, đặc biệt là người dân khu vực biên giới, những người đang làm ăn, sinh sống nơi “đầu sóng”, cùng BĐBP và các lực lượng quân đội bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.

“Hoạt động khám, chữa bệnh, trao tặng quà lần này là tình cảm, trách nhiệm, vừa thể hiện lòng tri ân, sự giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là Nhân dân khu vực biên giới, đã thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ BĐBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong suốt 60 năm qua” - Thượng tá Hoàng Minh Hùng xúc động.

Đang nắng, trời bỗng chuyển giông. Cơn mưa kéo dài mỗi lúc càng nặng hạt, cũng không thể làm chậm lại bước chân của Thượng tá Hoàng Minh Hùng; Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo và nhiều cán bộ, chiến sĩ, đến tận nhà ông Trương Quang Phúc (thôn Hiền Vân 1), ông Phạm Chuân (thôn Hiền Vân 2), là những người có công với cách mạng, để thăm hỏi, trao tặng quà và trao gửi những tấm lòng.

Quỳnh Anh