Tiêm chủng vắcxin cho người tiếp xúc với bệnh nhân Ebola Ảnh: MSF

Cho đến nay, theo BBC, không có loại thuốc hay vắcxin nào được chứng minh là có hiệu quả trong phòng ngừa và chữa trị virút Ebola sau đợt bùng phát lớn nhất trong lịch sử, bắt đầu từ Guinea hồi tháng 12/2013.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nghiên cứu này có thể "thay đổi cuộc chơi" trong khi các chuyên gia y tế nhìn nhận kết quả là "đáng chú ý".

Vắcxin VSV-EBOV là sự kết hợp của virút Ebola và một virút an toàn hơn để tạo ra hệ thống miễn dịch nhằm đánh bại Ebola.

Thử nghiệm lâm sàng độc đáo trên đã diễn ra tại Guinea. Khi một bệnh nhân Ebola được phát hiện, bạn bè và người thân của bệnh nhân này được tiêm chủng để tạo "vòng bảo vệ" của hệ miễn dịch.

Thử nghiệm cho thấy trong 2.014 người tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola và được chích ngừa ngay lập tức đã không trở thành nạn nhân tiếp theo của căn bệnh chết người này.

Tuy nhiên, vì là kết quả sơ bộ nên vẫn cần chờ thêm dữ liệu trong thời gian sắp tới. Các quan chức WHO cho rằng hiệu quả của vắcxin có thể vào khoảng từ 75% đến 100%.

Nếu như VSV-EBOV có từ 18 tháng trước thì vắcxin này có thể cứu hàng ngàn mạng sống của con người tại các nước Tây Phi và trên thế giới.

Theo Tuoitre