UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Thảo luận tại tổ 7 gồm các Đoàn ĐBQH: Thừa Thiên Huế, Long An, Đắk Nông, Thái Nguyên

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với  21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách đề xuất mới, các chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá cho thành phố Đà Nẵng phát triển.

Đặc biệt, cho ý kiến về thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đối với dự án xây dựng trung tâm logistics  và trong khu thương mại tự do một số đại biểu đề nghị việc thu hồi đất cần bảo đảm các điều kiện như: Không tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức liên quan trong thu hồi đất. Bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như nguồn lực thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, cần tránh lãng phí đất đai, tài nguyên và cần có quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong thí điểm thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm logistics, khu thương mại tự do.

Đối với các cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy định: “Hội đồng nhân dân thành phố quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ… trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo”. Đại biểu đề nghị làm rõ kết quả của chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Tham gia thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, thành phố Đà Nẵng được xác định là động lực phát triển của khu vực miền Trung, do vậy các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng trở thành đầu tàu của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Trong các cơ chế, chính sách, đại biểu Lê Trường Lưu quan tâm đến cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, chính sách này cần được nhân rộng để các tỉnh, thành khác trong cả nước có thể áp dụng.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) thống nhất với các cơ chế, chính sách và cho rằng việc ban hành là điều cần thiết cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Ông Hiệp cũng nêu quan điểm, cần làm rõ các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quy mô đầu tư tối thiểu dự án PPP trong lĩnh vực y tế, những khó khăn về thủ tục…. Đại biểu Pham Như Hiệp cho rằng, các địa phương có cơ chế, chính sắc đặc thù nên chăng có quyền chủ động, quyền xử lý các vấn đề.

 Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) thống nhất với các cơ chế, chính sách

Trước đó, sáng cùng ngày, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, khoa học.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 chương với 18 điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng như sau: Tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Liên quan đến các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng gồm 9 chính sách, trong đó có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới. Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Thẩm tra dự thảo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng thời gian tới. Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền. Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Để tuân thủ đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

NGỌC NHI