Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nền tảng thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng

Trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách), bao gồm: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiền lương, thu nhập.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 119 đã bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quy định về kinh phí hỗ trợ cho phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; cho rằng, việc xác định kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố sẽ bảo đảm tính bao quát, đầy đủ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển. Song, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách trên để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục tiêu, mục đích, có hiệu quả và tránh lợi dụng chính sách.

Phát biểu tại tổ, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên về thủ tục hải quan..., theo các đại biểu, đây là mô hình mới ở Việt Nam nên cần được tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo đà phát triển cho Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất thí điểm thành lập “Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng” thay vì chỉ là “Khu thương mại tự do”. Nhấn mạnh về điều này, đại biểu cho biết, việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng. Việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Do đó, việc thành lập khu thương mại, tài chính tự do tại Đà Nẵng không chỉ mang lại lợi ích cho thành phố mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Thống nhất với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm tại Đà Nẵng như Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng phải có báo cáo tổng kết cụ thể. Về thực hiện dự án PPP (đối tác công tư), đại biểu đồng thuận với việc đầu tư trên tất cả lĩnh vực khác như giao thông, quản lí đô thị… là cần thiết nhưng với các lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có đầu tư kinh doanh hạ tầng chợ mà thực hiện đầu tư như vậy là khó, không nên.

“Đây là việc quan trọng, trước giờ ở Việt Nam chưa có tiền lệ nhưng trên thế giới thì đã có. Tôi đề nghị cần có sự thận trọng, khách quan về chính sách đầu tư cho khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Thậm chí, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác cũng nên thành lập khu thương mại tự do, dưới sự quản lí của nhà nước, có Ban Quản lý”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Phát huy lợi thế để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Một số ý kiến cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tách công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Do đó, cần cân nhắc để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về nội dung này.

Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, địa phương, một số ý kiến cho rằng, đây là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách riêng cho tỉnh Nghệ An, do đó việc quy định cho phép các tỉnh, thành phố trong cả nước được phép sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An, cần được cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi thí điểm và tính khả thi trong thực tiễn.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.

Về chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công tại khoản 5, Điều 4, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, nhiều năm qua, không ít dự án đầu tư, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chậm tiến độ do bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng đã gây ra nhiều hệ lụy, như: bị đội vốn; các công trình hạ tầng giao thông dang dở trở thành lô cốt, nút thắt, gây mất vệ sinh môi trường, bức xúc trong dư luận nhân dân; các nhà đầu tư, nhà thầu kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án.

Theo đại biểu Mai, nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng đã khởi công, sau đó không thể triển khai vì không giải phóng mặt bằng được, trong khi giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi nên đến khi tái khởi động được thì dự án đội vốn hoặc phát sinh những khó khăn khác.

Theo baotintuc.vn