Hướng dẫn du khách trải nghiệm ứng dụng số khi tham quan cổ vật |
Dùng công nghệ định danh cho cổ vật
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh và Phygital Labs sử dụng công nghệ định danh số 10 cổ vật Triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế. Đồng thời, ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro.
Các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion - Định danh số vạn vật, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số của Phygital Labs. 10 cổ vật được lựa chọn thí điểm để dịnh danh là các cổ vật tiêu biểu, phản ánh những nét đặc trưng về đời sống vật chất, lễ nghi, chính trị, tư tưởng của vua quan nhà Nguyễn.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ: “Công nghệ của Phygital Labs là cầu nối đưa các cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hóa, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của Triều Nguyễn, văn hóa Huế nói chung”.
Khách tham quan dùng smartphone tương tác với chip NFC để truy cập thông tin về cổ vật |
Theo đó, những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số để người dùng trên toàn cầu có thể tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm, trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử văn hóa chân thực. Để tham quan loạt cổ vật quý giá này trên không gian số, mọi người chỉ cần truy cập vào địa chỉ htttps://museehue.vn
Phó Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Trương Quý Mẫn cho hay: Tất cả các mã QR và chip NFC Nomion được đặt phía trước mỗi hiện vật, khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC là có thể truy cập đến nội dung cụ thể mà không cần tải app hoặc nhập bất kỳ thông tin nào khác, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật. Với cả hai tính năng này, du khách có thể trải nghiệm dễ dàng và sống động với các cổ vật trên không gian số, bảo tàng số.
Đáng chú ý, không gian số này đã tích hợp Apple Vision Pro, đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng (XR - Extended Reality) tiên phong bởi Apple và Meta.
Đưa di sản vào kinh tế số
Với mục tiêu quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra toàn cầu và khai thác tiềm năng kinh tế số từ di sản, từ đây, tầm nhìn của Trung tâm BTDTCĐ Huế và Phygital Labs sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng Metaverse, quảng bá Huế, Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest trên thế giới.
Một trong những cổ vật đã được định danh tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế |
Ông Nam Đỗ, Giám đốc công nghệ của Phygital Labs cho rằng, ở Việt Nam, vật lý số vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Nhưng nếu áp dụng đúng cách vật lý số vào đời sống sẽ giúp nâng cao giá trị của vật phẩm trong cả thế giới số và thực, tự động hóa các quy trình và trải nghiệm người dùng, giảm thiểu công sức và chi phí lưu trữ, ghi nhận và tăng độ tin tưởng của người dùng nhờ vào tính chất minh bạch với độ xác thực cao. Ngoài lĩnh vực kinh tế số, các giải pháp về định danh vạn vật còn giúp lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dùng internet khắp thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.
“Từ trải nghiệm đa giác quan (Immersive Experience) trên triển lãm số, chúng ta có thêm cơ hội bán vé tham quan, tăng nguồn thu từ tệp khách hàng số vốn đang rất thiếu những nội dung văn hóa lịch sử thu hút. Ngoài ra, đơn vị sở hữu còn có thể cho bán các phiên bản được chứng thực cho các khách hàng số có nhu cầu. Từ đó, ngoài việc lan tỏa câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn cầu, chúng tôi mong muốn góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa vốn rất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng giá trị, kiến tạo nên mô hình kinh tế số hoàn toàn mới”, Giám đốc công nghệ của Phygital Labs thông tin.
Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, sự kết hợp giữa hiện vật/cổ vật vào ứng dụng công nghệ không chỉ là chìa khóa kết nối các giá trị di sản, văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
“Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai việc biên soạn nội dung, quét/chụp hình ảnh các cổ vật, hướng đến bảo tàng số theo từng chuyên đề, từng thời điểm, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn, tìm hiểu thông tin với bố cục, màu sắc, âm thanh sống động tương tự như đang tham quan một bảo tàng hay triển lãm thực tế”, ông Trung nói.