Sương muối khiến người trồng thanh trà Dương Hòa lao đao

Ông Nguyễn Cửu Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho hay, hiện tại, hơn 20ha thanh trà (trong tổng số 30ha) đang cho thu hoạch của địa phương không ra quả hoặc quả thối và rụng. Diện tích thiệt hại phân bổ đều khắp các vùng trồng thanh trà trên địa bàn xã.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do sương muối. “Thời điểm tháng 3 Dương lịch có 2 đợt sương muối, khi đó, thanh trà vừa mới đậu quả to khoảng ngón chân cái. Do nhiễm sương muối nên thời gian sau trái rụng dần, tiếp đó là rụng đồng loạt, cây nào trụ được thì số lượng quả không đáng kể và không đạt chất lượng. Thậm chí có cây, hiện quả đã to hơn nắm tay người lớn nhưng rồi cũng rụng”, ông Tuấn xót xa.

Năm 2023, tổng thu nhập từ thanh trà của bà con Dương Hòa khoảng 6-7 tỷ đồng. Với việc khoảng 80% diện tích thanh trà năm nay mất trắng, thì thiệt hại của người trồng thanh trà nơi đây cũng tương ứng.

Hiện, quả của 30% diện tích thanh trà còn lại không bị “dính” sương muối đang phát triển tốt và chờ người thu hoạch (vào khoảng cuối tháng 8). Tuy nhiên, do mất mùa nặng, nên kể cả khi “mất mùa – được giá” cũng không thể bù lại thiệt hại do thời tiết gây nên.

Không chỉ Dương Hòa, “thủ phủ” thanh trà của Huế thậm chí còn mất mùa nặng hơn khi gần 150ha thanh trà tại P Thủy Biều (TP. Huế) gần như mất trắng. Có vườn, thậm chí chẳng có nổi 1 gốc đậu quả. Nguyên nhân được cho là do thời tiết nắng nóng kéo dài, cây không thể phục hồi để ra quả như mọi năm.

Là loại cây được xác định tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 4/7/2019 về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025. Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích thanh trà hơn 1.058ha, diện tích cho sản phẩm 889ha.

Trên cơ sở này, bên cạnh việc Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh giai đoạn 2021-2025, các địa phương, phòng, ban hữu quan cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người trồng thanh trà trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhân giống…, qua đó, nhiều diện tích của loại trái đặc sản trên địa bàn tỉnh được mở rộng; cây bớt sâu bệnh, kích thước, chất lượng trái ngày càng cao…

Tuy nhiên, từ việc thanh trà ở Thủy Biều, Dương Hòa (và có thể thêm một số nơi khác trên địa bàn tỉnh) năm nay gần như mất trắng, ngoài phòng trừ sâu bệnh, các chuyên gia, các sở ngành hữu quan cần nghiên cứu thêm để từ đó đưa ra cảnh báo, biện pháp giúp người trồng thanh trà chủ động hơn trong ứng phó với thời tiết đang ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan như hiện nay.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG