Nghiêm túc ngồi chờ trước phòng thi |
Lần đầu đi thi
Kỳ khảo sát, đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương năm học 2024-2025 thu hút 1.575 học sinh dự tuyển, cạnh tranh 360 chỉ tiêu. Sở Giác dục và Đào tạo tổ chức khảo sát ở ba hội đồng thi với 67 phòng thi.
Từ 6h30, trước cổng Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã nhộn nhịp, đông đúc cảnh bố mẹ đưa con đi thi. Trước khi con bước vào trường thi, các bậc phụ huynh cẩn thận hỏi con đã nhớ phòng thi, số báo danh chưa, rồi tỉ mỉ hướng dẫn con tìm phòng thi, lên cầu thang tầng mấy, rẽ phải hay trái… Lo lắng cho con nên khi con vào trường thi từ lúc 7h, nhiều phụ huynh vẫn nán lại chờ tới 9h khi con thi xong. Mỗi tiếng trống báo hiệu thời gian phát đề, làm bài, thu bài… cũng khiến họ bồn chồn, thấp thỏm.
Chị Hồng chia sẻ, lần đầu tiên con tham gia kỳ thi quan trọng nên chị không khỏi lo lắng, hồi hộp. Tối qua, chị không cho con học nữa mà đưa con đi chơi để giảm căng thẳng. Sáng sớm, hai vợ chồng dậy chuẩn bị, kiểm tra bút viết, giấy dự thi… xem còn thiếu gì không, cho con ăn sáng rồi chở đến trường thi. “Dù xác định cho con thi để thử sức nhưng tôi vẫn hồi hộp. Cháu vừa học xong tiểu học, đi đâu, làm gì cũng có bố mẹ lo, lần đầu tiên dự kỳ thi quá đông, tỷ lệ chọi rất căng nên tôi lo lắng”, chị Hồng nói.
Hỏi chuyện Nguyễn Thanh Giáp Anh, học sinh Trường tiểu học số 1 Thủy Châu (thị xã Hương Thủy), cậu bé trả lời đĩnh đạc: “Lần đầu tiên tham dự kỳ thi lớn nên cháu rất lo, đêm qua hồi hộp quá không ngủ được, trằn trọc mãi đến hơn 11h đêm cháu mới ngủ. Cháu quyết tâm thi đỗ vì đây là môi trường học tập tốt. Nhà cháu hơi xa nhưng cháu sẽ đi học bằng xe buýt”.
Cũng có những học sinh đi thi chỉ để thử xem năng lực mình đến đâu và cọ xát với thi cử. Nguyễn Hoàng Bảo Anh, cô học trò đến từ Trường tiểu học thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông cho biết: “Dù thi đỗ cháu cũng không theo học được vì nhà ở quá xa nhưng cháu muốn thử sức ở kỳ thi lớn”.
Tuổi nhỏ, lại lần đầu tiên đi thi nên nhiều em bỡ ngỡ. Có em cẩn thận mang theo giấy nháp, vở vào phòng thi. Khi giám thị nhắc nhở, em hồn nhiên: “Cháu chỉ mang theo vở, giấy trắng để kê cho dễ viết”. Các giám thị cũng hết sức kiên nhẫn, luôn nhẹ nhàng nhắc nhở từng việc nhỏ một cách tỉ mỉ, từ cách gấp giấy thi đến ghi tên, số báo danh, phòng thi ở vị trí nào…
“Hạt gạo trên sàng”
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh |
Trường THCS Nguyễn Tri Phương luôn là ngôi trường mơ ước của học sinh cuối cấp tiểu học. Với phụ huynh, mong muốn con được học trường tốt nên ai cũng đầu tư cho con ôn tập, rèn luyện để có một suất đỗ vào trường chất lượng cao của tỉnh. Ngay cả những học sinh ở các huyện ven thành phố cũng không quản ngại đường xa. Vì thế, chỉ tiêu chỉ 360 học sinh nhưng con số đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên 1.500 em.
Cũng có không ít người cho con dự thi để thử sức, khảo sát năng lực. Anh Lê Hải, phụ huynh một học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh tham gia tuyển sinh tại hội đồng Trường tiểu học Quang Trung cho hay: “Tôi muốn cho cháu tham gia tuyển sinh vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương để thử sức. Cháu chỉ học ở trường, về nhà cũng tự học là chủ yếu với sự kèm cặp của chị gái chứ không đi học thêm. Nếu không thi đỗ, tôi sẽ đăng ký cho cháu học trường đúng tuyến chứ không quá áp lực”.
Năm nay, đề khảo sát được đánh giá là không quá khó với thí sinh. Môn tiếng Việt yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức, có kỹ năng phân tích, quan sát có thể hoàn thành tốt bài thi. Ở phần tập làm văn, yêu cầu viết “bài văn tả lại buổi bình minh trên quê hương em” đòi hỏi thí sinh ngoài nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài văn tả cảnh, vốn ngôn ngữ phong phú còn cần những kiến thức tinh tế từ sự quan sát ngoài cuộc sống.
Sau phần thi môn tiếng Việt buổi sáng, các thí sinh nhí ùa ra cổng trường, hớn hở khoe với ba mẹ: “Con làm hết bài, đề thi không khó”. Lê Minh Trí, học sinh Trường tiểu học Lý Thường Kiệt cho hay: “Đề thi tiếng Việt năm nay không khó. Con làm hết bài vẫn còn dư thời gian. Tự chấm diểm, con đoán mình được 7-8 điểm”.
Đề toán cơ bản vẫn nằm trong chương trình ôn tập của lớp 4 và lớp 5. Tuy nhiên, sẽ có những câu khó để phân loại, chọn học sinh thực sự có năng lực vào trường. Môn ngoại ngữ không làm khó những học sinh có thế mạnh về ngoại ngữ nhưng cũng là thách thức đối với nhiều thí sinh. Vì vậy, kỳ khảo sát năng lực này vẫn đảm bảo chọn được những học sinh ưu tú.
Ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế) cho biết, năm nay, trường có hơn 100 học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương. So với mọi năm, đề không quá căng thẳng nhưng vẫn đảm bảo có những câu để phân loại thí sinh.
“Mạch kiến thức đề cũng tương tự như những năm trước. Các dạng đề học sinh đều đã được ôn tập và nằm trong chương trình. Những học sinh tham gia khảo sát vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương đa số đều có năng lực, tư duy tốt nên đề đương nhiên sẽ có những câu khó, yêu cầu học sinh cần tinh ý, có kỹ năng làm bài. Với môn tiếng Việt, cần thêm kỹ năng quan sát cuộc sống, trải nghiệm để có ngôn từ phong phú hơn”, ông Nam phân tích.