Philippines là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm 2023. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines/TTXVN |
Philippines - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN năm 2023, tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,7% trong 3 tháng đầu năm 2024.
Mặc dù con số này thấp hơn mức dự báo tăng trưởng từ 5,8% - 6,6% được đưa ra trước đó nhưng vấn cho thấy mức tăng tăng 0,2% so với quý IV/2023.
Theo nhà kinh tế học Sarah Tan của Moody's Analytics, Philippines có thể duy trì đà tăng trưởng là nhờ hoạt động thương mại mạnh mẽ, cả xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
“Các lô hàng sản phẩm điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn, đã làm tăng doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa, trong khi ngành dịch vụ cũng tăng vọt khi du lịch quốc tế phục hồi”, bà Tan nêu rõ.
Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân - yếu tố đóng góp hàng đầu cho GDP quốc gia - và tăng trưởng đầu tư của Philippines trong quý này đã chậm lại do chi phí đi vay và lãi suất cao.
Các nhà kinh tế thường dự đoán con số tăng trưởng của năm sẽ không đạt được mục tiêu của chính phủ là từ 6 đến 7%, vốn đã được điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó là 6,5 đến 7,5%.
Nhưng ngay cả khi không đạt được mục tiêu “vươn đến mặt trăng”, Philippines vẫn được cho là “sẽ hạ cánh giữa các vì sao”.
Các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng và cho rằng quốc gia này sẽ tiếp tục vượt trội so với các đối tác trong khu vực, giống như những năm trước.
Theo nhận định của bà Tan, chi tiêu tiêu dùng của Philippines sẽ phục hồi, và môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh hơn trong nửa cuối năm sẽ dẫn đến GDP cả năm của nước này đạt 5,9% trong năm 2024.
Việt Nam: Ngôi sao đang lên
Trong khi đó, Việt Nam đang bám sát Philippines với mức tăng trưởng 5,66% trong 3 tháng đầu năm nay.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước vượt trội so với các nước khác trong khu vực, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,72% trong quý IV/2023, do sản lượng của một số mặt hàng công nghiệp quan trọng suy giảm.
Tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam đã giảm từ mức 7,35% của quý trước xuống còn 6,28% trong quý I/2024.
Đáng chú ý, sản xuất điện thoại di động quý I của Việt Nam giảm 13,3%, sản xuất ô tô giảm 11,3% và sản xuất tivi giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu chính thức cho thấy.
Tuy nhiên, giống như Philippines, các nhà kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong những quý tới.
Lavanya Venkateswaran, nhà kinh tế cấp cao của OCBC, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục trong những tháng còn lại của năm khi nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử được cải thiện và sự hỗ trợ trong nước cho tăng trưởng trở nên mạnh mẽ hơn”.
Tăng trưởng vừa phải
Indonesia đứng thứ 3 khu vực trong quý I với mức tăng trưởng 5,11%, vượt qua ước tính tăng trưởng trung bình 5,08% trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Con số này cũng tươi sáng hơn so với mức 5,04% trong quý IV/2023 và 4,94% trong quý III/2023.
Nhà kinh tế Venkateswaran của OCBC lý giải rằng tốc độ tăng trưởng của Indonesia mạnh hơn dự kiến (4,7%) một phần là nhờ mức tiêu dùng hộ gia đình ổn định.
Tuy nhiên, những như các nhà kinh tế khác, bà Venkateswaran dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải trong những quý tới do “sự thúc đẩy chi tiêu từ cuộc bầu cử tháng 2 giảm dần, cùng với những cơn gió ngược về giá hàng hóa”.
Chi phí leo thang, tiền tệ sụt giảm
Trong khi ASEAN vẫn là một trong những khối kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, những đám mây đen của áp lực lạm phát và mất giá tiền tệ đang dần xuất hiện.
Lạm phát là một mối lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt đối với Philippines.
Moody’s Analytics cảnh báo rằng “có thể sẽ có biến động trong những tháng tới do lạm phát thực phẩm ở mức cao kéo dài” do hiệu ứng El Nino. Phí vận chuyển và giá điện tăng cao cũng là những rủi ro chính.
Và cho đến khi lạm phát ổn định trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương, tình trạng lãi suất cao vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.
Trong cuộc họp chính sách gần đây nhất hồi giữa tháng 5, Ngân hàng trung ương Philippines đã duy trì lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 17 năm là 6,5% trong phiên thứ 5 liên tiếp.
Đối với việc mất giá đồng tiền, Philippines và Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đồng peso của Philippines đã vượt qua ngưỡng quan trọng 58 để đạt mức thấp mới trong 18 tháng là 58,747 peso đổi 1 USD vào ngày 30/5, ghi nhận mức giảm giá tính đến thời điểm hiện tại so với đồng bạc xanh khoảng 6%.
Trong khi đó, đồng VND cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 25.477 VND đổi 1 USD vào ngày 24/5, khiến Ngân hàng trung ương Việt Nam phát tín hiệu sẵn sàng bảo vệ đồng nội tệ vốn đã giảm gần 5% từ đầu năm đến nay.
Điều đó cho thấy, trước những thách thức này, các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng các nền kinh tế Đông Nam Á nói trên sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lạc quan trong những tháng còn lại của năm.