Tái hiện lễ cầu ngư của cư dân làng biển Thai Dương Hạ, Thuận An, TP. Huế. Ảnh: Đinh Hoàng |
Cố kết cộng đồng
Năm nay dù chưa vào hè nhưng những vòng xe của tôi đã in dấu trên các cung đường về biển khá nhiều. Nếu ai đó hỏi lý do thì câu trả lời đơn giản vì hè đến sớm, nắng nóng dị thường. Dọc theo cung đường này đã thấy nhiều trảng cát xám vàng; những vạt dương liễu, keo tràm không còn đủ màu xanh như chen vào nhau tránh nắng... Trái với sự im vắng của những trảng cát ấy, cộng đồng dân cư các làng ven biển vẫn giữ nhịp sống rộn ràng, gắn với sông nước, biển giã.
Nói không quá, đến thời điểm này chưa có làng biển nào ở Huế mà tôi chưa đặt chân đến. Cũng vì thế nên rõ ngọn ngành tập tục, lối sống văn hóa ở mỗi làng biển và cái tính quần cư của mỗi cụm dân ở đây thường phân chia theo thế mạnh gần sông, sát biển với nhà cửa chen chúc, đường đi nhỏ hẹp...
Mới đây trò chuyện với bác Lê Văn Hai, cư dân làng biển Hiền An (Vinh Hiền, Phú Lộc) khá thú vị khi biết ông từng có vài chục năm làm biển, nhưng nay đã nghỉ chỉ làm nghề bờ. Ông Hai là người cũng cảm nhận được sự chuyển biến của đời sống làng biển; trong đó không gian làng biển hiện nay đang ảnh hưởng bởi tốc độ của đô thị hóa. Ông nói, dẫu đô thị hóa thế nào, các khu dân cư được mở rộng, nhà cửa to hơn, đường sá khang trang hơn… nhưng nếp sống bà con ở đây vẫn quần cư.
Vinh Hiền theo quy hoạch chung của huyện, tỉnh sẽ trở thành đô thị loại V ven biển của Huế bởi tính chất quần tụ, phát triển giao thương mua bán miền biển từ lâu đời. Nói như ông Hai, nền tảng để làng biển Hiền An có được diện mạo nhộn nhịp như hôm nay là sự cố kết cộng đồng từ thời xưa.
Chuyện ở làng biển Hiền An làm tôi nhớ làng biển Hải Nhuận (Phong Hải, Phong Điền) khi về tiễn một người thân mất cách đây hơn 3 năm. Dịp ấy tôi tò mò và được giải đáp từ các cụ cao niên ở đây khi chiếc quan tài vừa rời nhà phải đập tường rào vì lối ra quá hẹp. Họ thừa nhận đó là nét văn hóa riêng của tính cố kết cộng đồng, lối sống quần cư của người dân làng biển không ngoài mục đích để tương hỗ trong sản xuất, sinh hoạt. Trước đây bà con làm biển theo mùa, theo nghề và thường phải đối mặt với sóng to, gió lớn. Bà con sinh sống gần nhau để cùng chung phương tiện ra khơi đánh bắt. Hơn nữa là để hỗ trợ khi gặp bất trắc, nhất là mùa biển động…
Nét văn hóa đặc trưng
Không dừng lại phạm vị hẹp như chúng tôi tìm hiểu mà tính cố kết cộng đồng, lối sống quần cư của cư dân làng biển đã được các tư liệu sách vở, nhà nghiên cứu văn hóa Huế dày công sưu tầm, nghiên cứu từ thuở di dân và nhu cầu sở tại không ngoài mục đích để sinh tồn.
Ghi nhận trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, người Việt xưa di dân vào Thuận Hóa, chủ yếu đi bằng đường thủy (men theo bờ biển) rồi tìm vào các cửa sông. Vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế là nơi có ruộng, hồ đầm chính là nơi lý tưởng để họ dừng chân. Một số thích nghi với việc làm ruộng và đánh bắt thủy, hải sản thì chọn vùng đất đầm phá để định cư. Một bộ phận khác tiếp tục theo nguồn sông tìm đến những vùng đất phù sa ven sông để lập làng, số đến sau lại tiếp tục lên vùng thượng nguồn để sinh sống. Các làng biển đầu tiên của Thừa Thiên Huế như Thai Dương (Thuận An), Hòa Duân (Phú Thuận), Kế Chủng (Phú Diên)… đã sống theo lối quần tụ.
Cũng theo nhiều tài liệu truyền thống văn hóa biển, trong buổi đầu sơ khai mở đất, cư dân làng biển ở Thừa Thiên Huế từ miền Bắc vào đã bắt đầu cuộc sống bên những dòng sông, cửa biển. Những vùng đất trồng trọt dần dần được hình thành, làng xã ra đời, cộng đồng cư dân sống quần tụ bên nhau để sinh tồn... Quá trình tổ chức cuộc sống dựa vào môi trường địa - sinh thái biển đã hình thành nên các cộng đồng dân cư sống quần cư và theo nghề đánh bắt, khai thác hải sản bằng lưới, giã, mành, câu, lặn...
Hàng trăm năm qua, các làng biển ngày càng phát triển, góp phần xây dựng và phát triển vùng biển Thừa Thiên Huế giàu có về văn hóa, mạnh về kinh tế, đóng góp nhiều cho việc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Gần đây quá trình đô thị hóa ở vùng ven biển diễn ra mạnh mẽ, nhiều cộng đồng dân cư phải di chuyển chỗ ở để nhường đất cho dự án, nhiều người chuyển đổi nghề... khiến cố kết cộng đồng của làng biển có phần lỏng lẻo. Tuy nhiên, nghề biển vẫn là kế mưu sinh chính của người dân trong vùng nên nét đặc thù của cố kết cộng đồng vẫn rất cần để họ thuận tiện trong sản xuất và gìn giữ văn hóa truyền thống.
Chúng tôi biết đã có không ít làng biển ở địa phương khi bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án, các chủ đầu tư “đau đầu” để nghiên cứu cách bố trí tái định cư phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất. Có nhiều công trình, dự án từng bị cư dân làng biển “phản ứng” vì chưa phù hợp với không gian văn hóa làng biển khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Mới đây, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội ở các không gian trải dài ven biển từ bắc đến nam trên địa bàn tỉnh và đưa đô thị Huế hướng về biển, “ôm biển” làm mặt tiền. Quá trình triển khai nhiều không gian ở đó còn quỹ đất lớn, có nhiều dư địa để phát triển đô thị và kinh tế du lịch biển. Cố kết cộng đồng, phong tục tập quán những làng biển nơi đây sẽ gặp không ít thách thức.
Một nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, thách thức hay không là điều các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đặt ra bây giờ để quá trình cụ thể hóa quy hoạch không bị “bào mòn”, hoặc mất đi các phong tục tập quán của cư dân làng biển đã hình thành từ trong buổi đầu mở đất.