Ngôi trường Quốc Học, nơi Bác Hồ đã từng học tập. Ảnh: MC |
Cố Thủ tướng Phạn Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc, hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi từ đó thôi thúc Người có ý chí, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Giai đoạn thứ nhất (1895-1901): Trong ngôi nhà đầu tiên, Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) chứng kiến nỗi vất vả, gian truân của gia đình. Tuổi thơ của Người đã trải qua những tháng ngày tần tảo của mẹ, nỗi khó khăn của cha trên con đường cử nghiệp. Và chính nơi đây, khi bước sang tuổi mười một, Người đã phải trải qua hai nỗi đau thương, mất mát lớn: mất mẹ và mất em. Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ của Người ở chốn Kinh đô, là nỗi đau mất đi những người thân yêu, là tiếng khóc xé lòng của người em thơ khi đói sữa; nỗi u uất, tang thương của người dân xứ Huế bởi dư âm của sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885.
Ở ngôi nhà thứ hai là mái trường đầu tiên Người bắt đầu tiếp cận với nền Hán học từ người thầy cũng là người cha thân yêu của mình. Từ hình ảnh quen thuộc cây đa, bến nước, sân đình của một vùng quê có truyền thống lịch sử lâu đời và sống trong tình yêu thương, đùm bọc, chan chứa nghĩa tình của những người dân quê mộc mạc làng Dương Nỗ, đã sớm bồi đắp, nhen nhóm trong cậu bé Nguyễn Sinh Cung một tình yêu quê hương, đất nước.
Đồng thời, trong khoảng thời gian lần thứ nhất ở Huế đã cho Nguyễn Sinh Cung những hiểu biết đầu tiên về xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở ngay trung tâm của nó. Những “ông Tây” nghênh ngang, hách dịch đang giữ quyền kiểm soát mọi công việc xứ thuộc địa, trái ngược hẳn với những ông quan Nam triều khúm núm, rụt rè trong áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn. Lầu son gác tía thâm nghiêm tương phản với những số phận đau khổ, tủi nhục của số đông những lao động: phu khuân vác, kéo xe tay, trẻ em lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã ăn sâu trong ký ức của Nguyễn Sinh Cung.
Giai đoạn thứ hai (1906-1909): Đây là khoảng thời gian quan trọng, chứng kiến bước trưởng thành trong con người Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh), không còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung hồn nhiên, hiếu động mà đã là một thanh niên với nhiều suy tư, nhiều ý chí, hoài bão lớn trước vận mệnh của dân tộc. Đồng thời, cho chúng ta thấy được lịch sử của dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.
Qua chính sách đào tạo của người Pháp ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc Học cho chúng ta thấy được bản chất nền giáo dục thực dân tại nước ta lúc bấy giờ. Không phải để “khai hóa” dân trí mà thực chất là “đồng hóa” văn hóa Pháp đối với người Việt Nam và đào tạo đội ngũ tay sai đắc lực cho chúng.
Khi học ở Trường Quốc Học Huế, ngoài những thầy giáo Pháp mang tâm địa thực dân, Nguyễn Tất Thành còn có cơ hội được học những thầy giáo như: Lê Văn Miến, Nguyễn Đình Hòe - những nhà trí thức mới, được đào tạo từ Tây học. Các thầy đã đem tư tưởng tiến bộ truyền đạt cho học sinh, khơi dậy ở học sinh mạch nguồn yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc.
Những năm đầu thế kỷ XX, là khoảng thời gian diễn ra nhiều phong trào yêu nước mới với những hình thức đấu tranh khác nhau, như: phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào chống thuế của Nhân dân miền Trung...
Đây được xem là giai đoạn đánh dấu những sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ với Nguyễn Tất Thành mà còn với cả lịch sử dân tộc. Tại nơi đây, Nguyễn Tất Thành tham gia những hoạt động yêu nước đầu tiên, đặc biệt là phong trào chống thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế (4/1908), đã đánh dấu sự chuyển biến về chất trong quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Người, từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước. Sự kiện này được xem là mốc quan trọng trong cuộc đời của Người, mở đầu cho hồ sơ chính trị cách mạng lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX diễn ra rất sôi động, với nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, nhưng tiếc thay các phong trào đó đều nhanh chóng thất bại, đều bị dìm trong “biển máu”.
Mặc dù, các phong trào yêu nước mà Nguyễn Tất Thành tham gia, đặc biệt là phong trào chống thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế, đều thất bại và bị đàn áp, khủng bố khốc liệt, nhưng thông qua các hoạt động thực tiễn ấy đã cho Người thấy rõ hơn tội ác của thực dân Pháp; sự bất lực của triều đình phong kiến nhà Nguyễn và sức mạnh của Nhân dân một khi họ đã vùng dậy; sự bế tắc trong phong trào yêu nước và con đường giải phóng dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là những điều mà Nguyễn Tất Thành luôn suy tư, trăn trở và tạo thành động lực thôi thúc Người sớm có quyết định ra nước ngoài tìm chân lý về giải phóng dân tộc.
Tất cả những luồng tư tưởng tiến bộ, những phòng trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã tác động một cách tích cực vào tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Tất Thành. Người suy nghĩ về những luồng tư tưởng mới, tìm hiểu các phong trào yêu nước chống Pháp để đi đến một nhận định: chủ trương của cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương chẳng khác gì “đến xin giặc rủ lòng thương”; chủ trương của cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, chủ trương của cụ Hoàng Hoa Thám tuy thực tế hơn, nhưng không có hướng thoát rõ ràng, “còn mang nặng cốt cách phong kiến”.
Đó là những kết luận chính trị đầu tiên khi đánh giá về những phong trào đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Nguyễn Tất Thành rất kính trọng các cụ, nhưng không đi theo con đường các cụ đã chọn. Người nung nấu ý chí tìm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, muốn thế trước hết phải tìm hiểu rõ kẻ thù của mình. Học tập tại Trường Pháp - Việt và Trường Quốc Học là điều kiện để Nguyễn Tất Thành tiếp xúc một cách có hệ thống với văn minh Pháp và nhìn rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa.