Hưởng ứng tham gia phân loại rác tại nguồn ở địa bàn TP. Huế |
Biến đổi khí hậu khó lường
Nhiều năm trước, Huế đã tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng Hành động vì môi trường. Để thêm hiệu ứng, hiệu quả cho chương trình, thời gian qua, tỉnh phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” huy động cán bộ, người dân ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, phân loại rác đầu nguồn; tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền BVMT, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Năm nay, Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Tháng Hành động vì môi trường vừa được tổ chức vào sáng 2/6, tại xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy. Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, sự kiện hướng tới kêu gọi mọi quốc gia, cộng đồng thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm quá trình BĐKH.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, hiện có khoảng 40% diện tích đất trên hành tinh đã bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa 1/2 tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu không hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 75% dân số thế giới vào năm 2050.
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Nhiều nơi, nhiều thời điểm xảy ra hạn hán, ngập lụt, triều cường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nông nghiệp, du lịch...
Ở Thừa Thiên Huế gần đây, thời tiết cực đoan có xu hướng tăng. Nền nhiệt độ cao dị thường có nguy cơ gây ra hệ lụy, như: thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; cây trồng giảm năng suất, chất lượng; xâm nhập mặn, tiêu hao năng lượng cũng nhiều hơn. Nhiều năm qua, nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế đã chịu ảnh hưởng của quá trình hoang mạc hóa, thoái hóa đất, cát di động, hạn hán, đất bị nhiễm mặn... Hiện nay địa bàn tỉnh có hơn 15 nghìn ha đất bị hoang hóa và xói mòn mạnh, tập trung chủ yếu ở vùng cát và vùng gò đồi. Hơn nữa, sự phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và gia tăng dân số đã gây áp lực lên môi trường đất, nước, không khí.
Để chủ động ứng phó với điều này, tỉnh đã chú trọng triển khai mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm thích ứng với BĐKH.
TP. Huế thường xuyên tổ chức các điểm đổi rác lấy quà |
Chung tay bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân dẫn đến gia tăng BĐKH. Nó gây tác động xấu tới đời sống của con người, đe dọa đến môi trường sống và môi trường tự nhiên trong tương lai.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay, hành động để BVMT, ứng phó với BĐKH cần cả hệ thống chính trị, hội đoàn, người dân các địa phương trên toàn tỉnh chung tay thực hiện.
Hiện nay nhiệm vụ, giải pháp BVMT trọng tâm của tỉnh là nâng cao năng lực quan trắc môi trường, cảnh báo kịp thời diễn biến của BĐKH; chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng. Tuyên truyền các quy định, chiến lược, kế hoạch của trung ương và tỉnh đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả quy định về phân loại rác tại nguồn, đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý đúng cách.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để các hoạt động của Ngày Môi trường Thế giới, Tháng Hành động vì môi trường và “Ngày Chủ nhật xanh” trở thành thói quen trong cộng đồng, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, xem nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển KT-XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương chia sẻ, qua các hội nghị, hội thảo gần đây lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng từ chối, không chấp nhận các dự án, hoạt động, hành vi xâm hại đến môi trường, tác động xấu đến sự phát triển bền vững. Toàn tỉnh đang nỗ lực hành động để Thừa Thiên Huế ngày càng thêm “Xanh - Sạch - Sáng”, xây dựng Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, bên cạnh chung tay BVMT sống xanh, các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, chuyển đổi mô hình để đáp ứng yêu cầu BVMT, thích ứng xu thế phát triển KT-XH…