Người làm du lịch ở A Lưới xây dựng chương trình trải nghiệm xúc cá suối cùng khách |
Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, huyện A Lưới vừa ra mắt điểm du lịch sinh thái Cân Te 2 (tên địa phương là Cất Téh), xã Hương Phong. Ngoài hoạt động tắm suối, nhiều trải nghiệm được những người làm du lịch nơi đây xây dựng thành các hoạt động để phục vụ khách, trong đó trải nghiệm xúc cá, hay cùng người dân bản địa tham quan và lưu lại khoảnh khắc đẹp tại suối. Tại đây cũng có sẵn vườn nông sản sạch như chuối, dưa, rau các loại... để phục vụ khách trải nghiệm làm người nông dân ở vùng cao, sau đó thoải mái hái quả ngọt, ngon, sạch từ vườn hữu cơ này để sử dụng. Bên cạnh đó, khách còn được xem các mẹ (người địa phương) đan chiếu A Lấ truyền thống của các dân tộc nơi đây. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, du khách đến từ Quảng Nam cho biết: “Bên cạnh những trải nghiệm văn hóa và giải trí, dịch vụ ẩm thực với các món ăn đặc trưng tại đây cũng được làm rất bài bản, vừa thơm ngon, vừa đậm đà hương vị núi rừng”.
Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, để thu hút khách trong mùa cao điểm du lịch hè năm nay, ngoài việc hoàn thiện hạ tầng và phục vụ khách trở lại ở suối Pârle (xã Hồng Hạ), huyện A Lưới cũng có thêm những điểm du lịch mới ở A Lin (xã Trung Sơn), Cân Te (Hương Phong), các homestay mới phục vụ nhu cầu lưu trú và ăn uống của du khách ở thị trấn A Lưới và ở làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim). Tại xã A Roàng cũng mở rộng các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng.
Không chỉ phục vụ thuần túy nhu cầu tắm suối thác, ăn uống của khách, ngành chức năng và những người làm du lịch cộng đồng của A Lưới cũng nghiên cứu, phục dựng các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, các hoạt động sinh hoạt truyền thống, các hoạt động lễ hội. Đối với các du khách có nhu cầu, người dân tại các làng du lịch cộng đồng sẽ xây dựng các chương trình văn nghệ dân gian để phục vụ khách. Bên cạnh đó, huyện A Lưới cũng tập huấn đội ngũ, chuyên nghiệp hóa hơn khi làm các dịch vụ gội đầu, xông răng bằng thảo dược núi rừng, ngâm chân xoa bóp, bấm huyệt theo phương pháp của người bản địa. “Huyện A Lưới cũng liên kết với các đơn vị lữ hành xây dựng tour phục vụ du khách. Trong đó, có nhiều tour trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng, khám phá rừng nguyên sinh hay tham quan các di tích lịch sử cách mạng thu hút đông đảo khách Việt và khách quốc tế”, bà Thêm cho biết.
Hiện nay, huyện A Lưới cũng đều đặn tổ chức các phiên chợ vùng cao để tạo thêm điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh hoạt động ăn uống, mua bán nông sản, đặc sản địa phương, du khách còn được hòa mình vào các chương trình nghệ thuật đặc sắc, các lễ hội được phục dựng lại. Các hoạt động phục vụ du lịch được xây dựng gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo sự mới lạ và hấp dẫn cho du khách.
So với năm ngoái, hiện, tại các điểm du lịch sinh thái huyện A Lưới vẫn đang áp dụng chính sách giữ giá, không tăng giá chòi, dịch vụ để thu hút khách. Theo bà Thêm, giá lưu trú trung bình tại các điểm homestay bình dân vẫn giữ mức 120.000 – 150.000 đồng/người (ở qua đêm). Các dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm cũng có mức giá như các năm. Để kích cầu du lịch, tại các điểm còn áp dụng chính sách tặng món ăn, tặng thêm dịch vụ cho các tour có đông khách. Bên cạnh đó, cũng có dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống giá rẻ để khách chụp ảnh.
Để thu hút khách nhiều hơn, ngành du lịch huyện A Lưới phối hợp với các địa phương, người dân làm du lịch các làng du lịch cộng đồng tiếp tục đầu tư, làm đẹp hơn các điểm du lịch bằng cách trồng hoa, cây xanh, hàng rào dọc tuyến đường, tạo cảnh quan không gian xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường. Đồng thời, bố trí nhiều điểm check-in để khách chụp ảnh.
Tại các khu vực suối, thác, ngay trước mùa du lịch hè, các điểm du lịch cộng đồng dựng lại và sửa sang các lán, trại, để phục vụ khách. Người làm du lịch ở A Lưới cũng hướng đến “bán” sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, các dịch vụ phục vụ khách, họ kể cho khách nghe về đời sống văn hóa, những sinh hoạt truyền thống đầy sức hấp dẫn ở miền Tây Thừa Thiên Huế.