Những sản phẩm khởi nghiệp đạt chất lượng của hội viên phụ nữ luôn được thị trường đón nhận 

Chọn được cho mình hai hộp gừng ép viên, chai cao tía tô...tại các gian hàng trưng bày, chị Thanh Liên (Phú Hội, TP. Huế) cho biết: Nhờ những đợt quảng bá sản phẩm xanh đặc trưng của địa phương do chị em phụ nữ làm chủ, tôi mới biết đến những mặt hàng này. Là những sản phẩm do phụ nữ sản xuất thủ công nên tôi càng muốn ủng hộ. Và rất vui khi thử, tôi thấy chất lượng sản phẩm khá tốt.

Không chỉ riêng chị Thanh Liên mà đa số khách hàng khi đến với các gian hàng trưng bày sản phẩm của phụ nữ đã không đi về tay không và khá hài lòng với chất lượng những mặt hàng mình lựa chọn.

Để có được những mặt hàng là gừng viên, nghệ viên... từ cơ sở Thành Ân Organic đưa ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, chị Trần Thị Thành (sinh năm 1985) hội viên phụ nữ phường Thủy Lương, TX. Hương Thủy cũng phải “trầy trật” bắt đầu từ con số 0 khi bắt tay khởi nghiệp.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu địa phương khá phong phú, mô hình ép viên nén để giữ nguyên chất dinh dưỡng, chất xơ có trong gừng, nghệ là một lợi thế nên chị Thành đã chọn cho mình hướng đi “riêng”.

Không nản lòng trước vô số lần thất bại trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, nay sản phẩm gừng viên, nghệ viên của chị Thành đã được hoàn thiện và được người tiêu dùng đón nhận.

“Mua máy móc, nguyên liệu... cũng tốn rất nhiều vốn, nếu không được Hội LHPN giới thiệu, kết nối để tôi được vay 100 triệu tiền vốn khởi nghiệp, chắc tôi không “trụ” lại được đến bây giờ. Hội LHPN các cấp cũng tích cực giúp tôi quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Dù chưa thành công nhưng hiện tại tôi đã có lượng khách hàng ổn định, nguồn thu ngày càng tốt và đang thuê thêm nhân công mở rộng thêm quy mô để tăng sản lượng sản xuất”, chị Thành bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Kim Lang (sinh năm 1987) ở Bùi Thị Xuân, TP. Huế đã mạnh dạn nghỉ công việc văn phòng để phát triển nghề trầm hương của gia đình. Bằng cách nhìn của người trẻ, chị đã đưa sản phẩm của gia đình lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lượng khách hàng ủng hộ tương đối lớn. Chị Lang chia sẻ: “Khi tham gia hoạt động Hội, được tiếp xúc với những phụ nữ làm kinh tế giỏi, tôi rất ngưỡng mộ và luôn trăn trở hướng đi mới cho bản thân. Đó chính là động lực để tôi tự tin đứng ra khởi nghiệp khi không còn quá trẻ”.

Chị  Lê Thị Duyên, sinh năm 1982, ở Thủy Lương, TX. Hương Thủy đã nhìn thấy hướng đi mới khi tận dụng nguồn nguyên liệu có nhiều ở địa phương như tía tô, hà thủ ô để sản xuất những sản phẩm xanh, sạch như cao tía tô, dầu gội đầu hà thủ ô, lăn khử mùi, son...

“Vốn là một nhân viên y học cổ truyền nên tôi cũng phần nào có được kinh nghiệm, kiến thức khi sản xuất các sản phẩm. Nhưng tôi lại không có kinh nghiệm nhiều trong việc quảng bá sản phẩm... nên chính nhờ sự giới thiệu, kết nối của hội LHPN các cấp, sản phẩm của tôi được khách hàng biết đến nhiều hơn. Giờ đây, lượng sản phẩm bán ra khá ổn định và ngày càng tăng”, chị Duyên vui mừng.

Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện, các mô hình sinh kế tiêu biểu của phụ nữ, nhất là phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu và một số đặc sản vùng miền, địa phương luôn được các cấp hội  giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khuyến khích hội viên phụ nữ DTTS, phụ nữ nông thôn mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Những phụ nữ mới bắt đầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch, an toàn; thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống...luôn được các cấp hội kết nối, giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi. Hội LHPN tỉnh cũng có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương để triển khai sâu rộng phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án “Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025”;  tạo cơ hội cho phụ nữ vượt qua thách thức, tiếp cận nhanh chóng với chuyển đổi số, TMĐT nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới thích ứng với nền kinh tế số.

Qua các hoạt động giao lưu, thành lập các gian hàng giới thiệu sản phẩm, Hội LHPN tỉnh đã kết nối hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế tiêu biểu ra thị trường. Cũng từ đó, có nhiều sản phẩm do phụ nữ sản xuất được lựa chọn để giới thiệu trên gian hàng TMĐT của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Bài, ảnh: Thảo Vy