Athens hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán với Ủy ban châu Âu EC và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để bảo đảm nhận được gói cứu trợ mới trị giá đến 86 tỷ euro (94,48 tỷ USD). Đây sẽ được gói cứu trợ thứ 3 kể từ năm 2010.


Hy Lạp có thể cần đến 24 tỷ euro trong đợt viện trợ đầu tiên. Ảnh: Reuters.

Báo Avgi, một tờ báo có mối quan hệ gần gũi với chính phủ cánh tả Syriza cho biết, các nhà chức trách Hy Lạp dự kiến ​​kết thúc các cuộc đàm phán với các chủ nợ vào giữa tháng 8/2015.

24,36 tỷ euro trong đợt cứu trợ đầu tiên này được sử dụng để chuyển 10 tỷ euro tái cấp vốn ban đầu cho các ngân hàng Hy Lạp; 7,16 tỷ euro để hoàn trả một khoản vay bắc cầu khẩn cấp; 3,2 tỷ euro cho các trái phiếu Hy Lạp đang bị Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ, và các khoản thanh toán khác, Avgi cho biết.

Theo ước tính, các ngân hàng Hy Lạp có thể cần đến 25 tỷ euro để điều chỉnh vốn, khi sự thiếu hụt vốn ngày càng trầm trọng hơn do việc sụt giảm các khoản tiền gửi trong bối cảnh bế tắc với các chủ nợ đe dọa vị trí của Athens trong khu vực đồng euro.

Các dòng tiền rời khỏi đất nước đã lên cao đỉnh điểm khi chính quyền Hy Lạp áp đặt lệnh kiểm soát vốn vào ngày 29/6 vừa qua nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Để đổi lấy gói cứu trợ mới, Hy Lạp đã chấp nhận tiến hành nhiều cải cách, kể cả việc điều chỉnh lương hưu đáng kể, tăng thuế giá trị gia tăng, các biện pháp tự do hóa nền kinh tế và hạn chế chi tiêu công.

Nếu các cuộc đàm phán không được hoàn thành đúng hạn, các nhà chức trách châu Âu có thể phải cung cấp thêm các khoản tài trợ tạm thời như đã làm với một khoản vay bắc cầu hồi tháng 7, mặc dù Avgi nói rằng khả năng này không được thảo luận với chủ nợ.

 

Bảo Nghi (lược dịch từ Reuters & Worldforumnews)