Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2024 |
Thưa ông, lần đầu tiên các chương trình lớn của Festival đều được tổ chức bên trong Đại Nội, ý tưởng đưa ra khi thay đổi địa điểm này là gì?
Trong xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai mạc và hoạt động kết thúc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, BTC đã xem xét, rà soát và quyết định sân khấu chính tại điện Kiến Trung. Đây là một sự đổi mới trong công tác tổ chức của festival, với mong muốn biến tất cả không gian trong Hoàng cung Đại Nội Huế với vẻ đẹp “lụa là gấm vóc” sẽ trở thành một sân khấu ấn tượng cho tuần lễ cao điểm này.
BTC muốn tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả nhất các công trình, kiến trúc trong Đại Nội Huế, đặc biệt không gian ngôi đại điện độc đáo bậc nhất Đại Nội Huế vừa được trùng tu với vẻ đẹp tuyệt mỹ từ kiến trúc, cảnh quan và trang trí ẩn chứa sức hút khó cưỡng sẽ là sân khấu chính của các chương trình nghệ thuật.
Mỗi kỳ Festival chúng ta đều cố gắng tạo ra một nét mới, một sức hấp dẫn mới, vậy Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế năm nay có điểm nhấn nào đặc biệt?
Festival năm nay tập trung điểm nhấn là các yếu tố cung đình, là nghệ thuật biểu diễn mang đậm nét truyền thống văn hóa Huế, thực hiện tốt chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Trong đó, điểm nhấn là đêm khai mạc.
Với công nghệ tổ chức hiện đại, sân khấu điện Kiến Trung là nơi biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực qua một loạt các giải pháp kỹ thuật tiên tiến; sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và công nghệ tương tác.
Festival Huế là nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa, với điểm nhấn là sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế |
Chúng tôi đã làm việc với ê-kíp đạo diễn để xây dựng các loại hình kết hợp giữa nội dung trình diễn, nghệ thuật biểu diễn và ứng dụng công nghệ, để làm sao thể hiện tốt nhất giá trị của công trình kiến trúc này. Trên cơ sở kết hợp với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chắc chắn sẽ đem đến một “bữa tiệc” văn hóa nghệ thuật thu hút người xem.
Bên cạnh đó, không gian của Đại Nội, khu vực từ cửa Ngọ Môn vào các tuyến đường bên trong sẽ có các hoạt động sắp đặt, trình diễn kết hợp công nghệ để mang đến trải nghiệm mới lạ trong không gian đậm chất lịch sử ngay khi du khách đặt chân vào đây. Chúng tôi kỳ vọng công chúng, khán giả sẽ có những cảm nhận sâu sắc về nét truyền thống cung đình Huế, văn hóa Huế.
Đặc biệt hơn nữa, là sự kết hợp với Đại sứ quán Pháp trong tổ chức chương trình Lễ hội ánh sáng. Với các sản phẩm sắp đặt như “vũ trụ kỳ ảo” trong lòng Đại Nội Huế, với không gian nghệ thuật số đầy tính tương tác ở Thái Bình Lâu - vườn Thiệu Phương và khu vực xung quanh.
Lấy tên gọi “Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy”, đêm nhạc đang được công chúng, những người yêu nhạc Trịnh háo hức chờ đợi, ban tổ chức muốn truyền đi thông điệp gì, thưa ông?
“Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy” là đêm nhạc đầu tiên được tổ chức tại một không gian đặc biệt về lịch sử, văn hóa và kiến trúc - điện Kiến Trung. Đêm nhạc với những bản nhạc Trịnh kinh điển được thể hiện bởi những những giọng ca tuyệt đẹp, được thổi hồn bằng những chất liệu âm nhạc mới mẻ. Đó là một trải nghiệm nghệ thuật hiếm thấy mà khán giả chắc chắn khó có thể bỏ qua.
Festival Huế là nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa và đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng |
Nhạc Trịnh đã vươn ra quốc tế, vượt thời gian để trường tồn ở mọi thế hệ. Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp về sự đối thoại giữa hậu thế với nhạc sĩ họ Trịnh. Đó là cuộc đối thoại qua âm nhạc, qua thơ ca tìm sự kết nối, đồng điệu giữa các tâm hồn. Đêm nhạc là một cuộc “đối thoại” mới mẻ của nhạc Trịnh với những bản phối mới, sự kết hợp mới, gửi gắm một chút tình của nhạc Trịnh Công Sơn đến những người yêu mến nhạc Trịnh ngay trên quê hương của nhạc sĩ.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng tổ chức festival, điều gì làm nên sự khác biệt của festival Huế để hoạt động này có thể duy trì đều đặn và kéo dài gần 25 năm qua?
Có thể khẳng định rằng Festival Huế có bề dày truyền thống, có thương hiệu, có quy mô quốc gia và mang tầm quốc tế. Festival Huế là festival văn hóa nghệ thuật. Nó khác so với một số festival chuyên đề.
24 năm tổ chức, Festival Huế đã phát huy rất tốt giá trị văn hóa Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Trong các kỳ festival, không chỉ có các chương trình nghệ thuật mang tính tiêu biểu, đại diện dấu ấn của nhiều nền văn hóa trong nước và quốc tế để du khách cùng tham gia, mà còn có các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian… được dày công tái tạo, giữ gìn cùng các lễ hội mới phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng. Nhiều địa phương trong cả nước đều mong muốn tham gia thể hiện, trình diễn tại Festival Huế.
Sự kiện này cũng là nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa. Tại các kỳ festival, yếu tố quốc tế luôn luôn là điểm nhấn, một thương hiệu mà chúng tôi đã dày công duy trì, tổ chức.
Đặc biệt, việc tổ chức một festival văn hóa nghệ thuật rất khó, làm sao lôi cuốn người xem, làm sao tạo ra sản phẩm thu hút khách du lịch phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội… Với kinh nghiệm tổ chức của mình, chúng tôi đã đổi mới. Huế tổ chức festival theo 4 mùa và theo từng mùa từ năm 2022 để nhấn mạnh những hoạt động chính, chuyển đối tượng hưởng thụ, đối tượng tham gia là cộng đồng, người dân, du khách. Đến nay đã có những kết quả đáng ghi nhận, tạo nên những sản phẩm du lịch mới, góp phần tạo động lực kích cầu du lịch, bảo tồn văn hóa và đóng góp thiết thực vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng chính là nét độc đáo làm nên thương hiệu “Festival Huế”.
Vậy có thể nói đến thời điểm này, chúng ta đã có công nghệ festival đích thực chưa, thưa ông?
Công nghệ tổ chức thì festival đã có bề dày lịch sử. Ra đời từ năm 2000 đến nay nên cách thức tổ chức mà chúng hay gọi là “công nghệ festival” đã được lan tỏa khá rộng ở các sân chơi, diễn đàn, các loại hình thể hiện văn hóa nghệ thuật khác.
Đến thời điểm này chúng ta có công nghệ festival chưa thì chúng tôi đảm bảo rằng đã có những kinh nghiệm, có những bước đầu để chúng ta lập trình những cách thức tổ chức có tính chất khoa học, bài bản cho một hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhưng cần rà soát đánh giá để có thể khẳng định đó là công nghệ hay không.
Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là sự tham gia của công chúng, người dân vào các hoạt động lễ hội. Để cộng đồng, người dân, du khách trở thành đối tác cùng với BTC tham gia các hoạt động. Chúng tôi chỉ tạo ra không gian và những nền tảng chính để tạo “xương sống” cho hoạt động lễ hội, sự tham gia của người dân, cộng đồng mới quyết định thành công của festival.
Một điểm quan trọng nữa huy động nguồn lực cho tổ chức festival. Với bối cảnh nguồn lực có hạn của nhà nước trong tổ chức các hoạt động sự kiện, BTC Festival đang hướng tới việc hợp tác tìm nguồn xã hội hóa, như kêu gọi tài trợ, hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức các hoạt động một cách bài bản trên cơ sở nguồn lực phân bổ đều đặn và chúng tôi tăng dần nguồn lực xã hội hóa. Tất nhiên công việc này cần có thời gian. Nhưng chúng tôi tự tin BTC đang đi đúng hướng để chúng ta có thể khai thác, có thể tổ chức một cách ổn định, lâu dài cho các hoạt động lễ hội.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác quảng bá, giao lưu văn hóa quốc tế. Đây là một điểm mạnh của Festival Huế mà có lẽ không phải hoạt động văn hóa nghệ thuật nào trên cả nước có thể thực hiện đầy đủ như thế.
Việc xác định tổ chức festival theo một mô hình, một cách thức, phương thức mang tính khoa học thì cơ bản BTC đang đi theo hướng này, còn nói chính xác về công nghệ festival thì cần sự đúc kết, có những tính toán triển khai một cách tốt hơn nữa để chúng ta có thể xây dựng một công nghệ tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!