Những VĐV hàng đầu quốc gia như kình ngư Trần Hưng Nguyên tham dự Giải Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m tại Huế

Tề tựu về đất Cố đô

Năm 2024, Thừa Thiên Huế tiếp tục là điểm đến của các giải thể thao hàng đầu trong nước và cả quốc tế. Chỉ tính riêng các giải do Trung tâm Thể thao tỉnh tham mưu chủ trì thực hiện, có đến 33 giải đấu. Tất cả trải dài trong 12 tháng.

Trong đó, có 8 giải cấp quốc gia gồm: Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m, Đá cầu cá nhân toàn quốc, Cầu lông hỗn hợp Quốc gia, Cung thủ xuất sắc Quốc gia, Xe đạp Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Bóng rổ 5x5 U20 Quốc gia, Cầu lông các Cây vợt thiếu niên trẻ xuất sắc Quốc gia, Cầu mây các đội tuyển xuất sắc Quốc gia.

Đặc biệt, sau nhiều năm, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức giải quốc tế có quy mô châu lục. Đó là giải vô địch Đá cầu châu Á diễn ra từ 21 - 27/8. Có thể thấy, tỉnh nhà tổ chức nhiều môn khác nhau, với quy mô quốc gia và quốc tế như đá cầu, bắn cung, cầu lông, bơi lặn, bóng rổ, cầu mây. Riêng giải Bơi lặn vô địch quốc gia bể 25m, Thừa Thiên Huế là địa phương có đến 15 lần đăng cai.

Cùng với đó, hàng loạt các ngôi sao thể thao tề tựu về đất Cố đô như Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo (bơi lội), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Phi Vũ (bắn cung), Thùy Linh, Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông),...

Vị thế của Huế

Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh khẳng định: “Huế có thể đáp ứng tổ chức tất cả các môn: bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, các môn võ,...”

Theo ông Hiếu, Huế có những điều kiện thuận lợi, cả về địa lý, cơ sở vật chất lẫn nhân lực để tổ chức những giải thể thao hàng đầu. “Năm 2004, Hội khỏe Phù Đổng tổ chức tại Huế, tỉnh nhà được đầu tư để xây dựng, cải tạo nhiều cơ sở, địa điểm thi đấu như Nhà thi đấu tỉnh, sân vận động, bể bơi, đường chạy tiêu chuẩn Olympic, nhà thi đấu ở các trường học... 20 năm sau, các công trình này có phần cũ và lạc hậu. Tuy nhiên, tất cả vẫn đáp ứng tổ chức giải bởi Huế là địa phương giữ gìn tốt. Mặc dù một số địa điểm vẫn còn thiếu thốn như đồng hồ điện tử ở bể bơi... nhưng vẫn đảm bảo tổ chức các giải đấu tốt”.

Ngoài ra, địa phương có mối quan hệ khăng khít với Cục Thể dục thể thao, Hiệp hội, Liên đoàn các môn thể thao để đưa những giải đấu về với tỉnh nhà. “Huế nằm ở miền Trung nên chi phí vận chuyển hai miền tiết kiệm nhiều. Ví dụ, một VĐV ở Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh tổn khoảng 3-4 triệu đồng nhưng vào Huế chi phí rẻ hơn một nửa, thậm chí 1/3. Kinh phí ăn, ngủ nghỉ... rẻ hơn nhiều. Một giải cũng lên đến cả trăm, hay cả nghìn người. Đó cũng là cơ hội quảng bá du lịch Huế. Huế cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng, phù hợp kết hợp cả về thể thao và du lịch”, ông Hiếu cho biết.

Xét về yếu tố chuyên môn, tổ chức ở tỉnh cũng là cơ hội để các VĐV có thêm cơ hội thi đấu, đặc biệt là những VĐV trẻ. Ông Hiếu cho hay: “Nếu vào TP. Hồ Chí Minh thi đấu, chỉ có thể cử 10 hoặc 5 VĐV nhưng nếu thi đấu ở Đà Nẵng hoặc ở Huế, có thể cử đến 30 VĐV. Những VĐV trẻ cần thi đấu, phải thi đấu. Nếu không thi đấu sẽ rất khó để biết năng lực ở đâu. Các em cần thi đấu thường xuyên để cọ xát, trưởng thành, phát triển”.

Huế đang là điểm đến lý tưởng của những giải thể thao mang tầm vóc quốc gia và tiến tới là quốc tế. Chính điều này nâng tầm vị thế của tỉnh nhà. Như ông Hiếu khẳng định: “Việc tổ chức thường xuyên giúp Huế quá quen với công tác tổ chức những giải đấu lớn. Tất cả đều có quy trình và sau mỗi giải sẽ tăng thêm kinh nghiệm tổ chức, làm gọn gàng hơn, bố cục rõ ràng, nhanh hơn”.

Trong tháng 3, Trung tâm Thể thao tỉnh tổ chức 6 giải; trong đó có 3 giải trùng thời gian tổ chức là Bơi lặn vô địch quốc gia bể 25m, Đá cầu cá nhân toàn quốc và Cung thủ xuất sắc Quốc gia. Đó là thử thách lớn với địa phương đăng cai nhưng Huế đã tổ chức thành công.

“Đó là điểm sáng và khẳng định vị thế của tỉnh nhà khi đáp ứng đầy đủ cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất để tổ chức cùng một lúc ba giải đấu quốc gia”, ông Hiếu cho biết.

Hy vọng, tương lai không xa, với những lợi thế không nơi nào có được, Thừa Thiên Huế sẽ chào đón nhiều hơn nữa những giải đấu quy mô, chất lượng và thu hút đông đảo thành viên tham dự giải.

Tuệ Tường