Thảo luận tại tổ 7 gồm ĐBQH các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Long An, Thái Nguyên, Đắk Nông.

 Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp

Tại buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi luật hiện hành.

Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định, thông lệ quốc tế để nội luật hóa đầy đủ các quy định về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ các khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm; phương thức tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân. Đồng thời, bổ sung các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh; giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tố tụng làm thường trực, đảm bảo phù hợp tính chất, nhiệm vụ của cơ quan điều phối các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên…

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần làm rõ điểm khác nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm của gia đình, trách nhiệm của cá nhân trong cơ quan hoặc trong xã hội. 

Bà Sửu cũng đề nghị nghiên cứu thêm những hành vi núp bóng đối với việc nhận con nuôi, biến con nuôi trở thành nạn nhân. 

Tại Điều 16, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần làm rõ quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục bởi trong Luật Giáo dục nghề nghiệp còn có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nữa và 2 cơ sở này thực tế độc lập và có chức năng nhiệm vụ khác nhau 

Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, ở khoản 5, Điều 136 quy định về thời gian lấy lời khai hỏi cung bị can là người chưa thành niên, thay vì 2 tiếng/lần, bà Sửu đề nghị có thể nâng lên 4 tiếng/ngày.

Tại buổi thảo luận này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng băn khoăn về giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa và việc thành lập trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài cần phải hợp lý, tính đến khả năng giao thoa các nền văn hoá…

Buổi thảo luận cũng ghi nhận ý kiến đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông Hiệp quan tâm đến các vấn đề y học quy định về tuổi sinh học; các quy định liên quan đến mang thai hộ...

NGỌC NHI