Với nhiều tiềm năng tăng trưởng, ASEAN đang được xem như "thỏi nam chân" hút FDI. Ảnh: linkedin.com |
ASEAN nổi lên như thỏi nam châm hút FDI
Khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh khi chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, do căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn liên quan đến đại dịch đang thúc đẩy nhiều công ty áp dụng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia.
Theo dữ liệu mới nhất hiện có, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 6 nền kinh tế lớn của khu vực, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines, đã tăng 5,5% so với một năm trước đó lên mức cao kỷ lục 224 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Singapore có mức tăng cao nhất, chiếm hơn 60% vốn FDI trong khu vực.
Tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực cũng đang tăng lên. Theo một báo cáo đầu tư được Ban Thư ký ASEAN có trụ sở tại Jakarta công bố vào tháng 12 năm ngoái, từ mức dưới 15% vào năm 2021, đã tăng lên hơn 17% vào năm 2022.
Được biết, FDI đổ vào Malaysia, Singapore và Việt Nam đã đạt mức kỷ lục vào năm 2022, trong khi FDI vào Campuchia và Indonesia không thay đổi, mặc dù vẫn ở mức cao.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết dòng vốn đầu tư vào các nước ASEAN đã vượt qua Trung Quốc năm thứ hai liên tiếp.
Báo cáo ngày 29/5 của ngân hàng OCBC cho rằng xu hướng chuyển đổi hướng đầu tư là do đa dạng hóa mạng lưới cung ứng khu vực và toàn cầu, được thúc đẩy bởi các chiến lược như Trung Quốc + 1 và friend-shoring (tạm hiểu là định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia được coi là an toàn về chính trị và kinh tế, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh). Ngoài ra, những cải cách mạnh mẽ trong nước và môi trường vĩ mô đáng khích lệ cũng đang làm tăng thêm vị thế của khu vực như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo OCBC, dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng lên 236 tỷ USD trong năm 2023, tăng 24% so với mức trung bình hàng năm là 190 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2022.
Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN
Dữ liệu cho thấy vào năm 2022, hơn 71% dòng vốn FDI vào ASEAN đến từ 10 nguồn đầu tư hàng đầu, cao hơn so với con số năm 2021 là 63%, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và HongKong (Trung Quốc) lần lượt dẫn đầu danh sách.
Cụ thể, Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN năm 2022 với mức đầu tư tăng 6% lên 37 tỷ USD, trong đó phần lớn (khoảng 20 tỷ USD) được đổ vào lĩnh vực sản xuất và tài chính.
Không tính đến đầu tư nội khối ASEAN thì Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai của khu vực, với mức đầu tư tăng gần 24% lên 26 tỷ USD vào năm 2022, tập trung vào kho bãi, vận tải, phụ tùng ô tô và các hoạt động liên quan đến xe điện (EV).
Trong khi đó, dòng vốn FDI của Trung Quốc đổ vào ASEAN đã giảm gần 12% xuống còn 15 tỷ USD trong cùng thời kỳ. Các lĩnh vực thu hút đầu tư từ Trung Quốc bao gồm sản xuất, bất động sản, cơ sở hạ tầng và kinh tế kỹ thuật số - chiếm khoảng 50% tổng số tiền đầu tư. Dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia và Myanmar.
Đầu tư nội khối tiếp tục tăng
Cũng theo báo cáo, đầu tư nội khối ASEAN đã tăng năm thứ 3 liên tiếp lên mức kỷ lục 28 tỷ USD vào năm 2022, đây cũng là nguồn đầu tư lớn thứ hai trong năm đó.
Năm ngành công nghiệp hàng đầu: tài chính và bảo hiểm, sản xuất, thông tin và truyền thông, bất động sản và năng lượng, đã thu hút 87% vốn đầu tư nội khối ASEAN.
Được biết Indonesia, Singapore và Việt Nam là ba quốc gia nhận được nhiều vốn đầu tư nội khối nhất khu vực, chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư nội khối, trong đó Singapore là nguồn thu lớn nhất, với 18 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Theo báo cáo đầu tư, mặc dù đầu tư nội khối ASEAN ngày càng tăng nhưng kể từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng trong tổng dòng vốn FDI vẫn ở mức dưới 20%. Báo cáo ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của dòng vốn FDI ngoài ASEAN từ năm 2015 đến năm 2022 là 9,2% - gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng của dòng vốn FDI trong khu vực.