Cung - cầu lao động dễ gặp nhau khi các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, chính sách được công khai, minh bạch

Cung - cầu chưa kết nối

Thừa Thiên Huế có lượng lao động dồi dào, đến thời điểm hiện nay là hơn 615.000 người. Mỗi năm có gần 10.000 lao động là sinh viên, học sinh ra trường, bộ đội xuất ngũ, một bộ phận lao động mất việc do sắp xếp lại doanh nghiệp bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh.

Thời gian qua, việc hỗ trợ lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, quay trở lại thị trường lao động còn nhiều vướng mắc, rào cản như lao động thiếu thông tin về tuyển dụng của các doanh nghiệp, không kết nối được đến doanh nghiệp tuyển dụng vị trí làm việc phù hợp với trình độ bản thân…

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với hoạt động của sàn giao dịch việc làm là vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, chưa khai thác hết hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm. Nguyên nhân là do số lượng các doanh nghiệp tuyển lao động và người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm chưa đông, chủ sử dụng lao động và người lao động chưa mặn mà với việc tham gia các hoạt động tại sàn, mặc dù mọi hoạt động của hai đối tượng này tại sàn được miễn phí hoàn toàn.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và phối hợp tổ chức lưu động tại các trường cao đẳng, đại học, các địa phương. Hoạt động của sàn giao dịch việc làm này đã thu thập, giới thiệu khoảng 50.000 vị trí việc làm, kết nối hàng trăm doanh nghiệp với hàng chục nghìn lượt người lao động quan tâm. Tuy nhiên, con số lao động được giới thiệu việc làm thành công lại chưa tới 1.000 người mỗi năm.

Để giải quyết khó khăn trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, qua đó phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việc ra mắt Sàn giao dịch việc làm điện tử vừa được Sở LĐTB&XH công bố tại Ngày hội việc làm của tỉnh lần thứ Nhất năm 2024 đánh dấu một bước chuyển biến mới trong công tác kết nối cung - cầu lao động.

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tìm việc thông qua các phiên giao dịch điện tử dần trở thành sự lựa chọn của người lao động trên địa bàn tỉnh, giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm; giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nhiều ứng viên phù hợp. Thông qua hệ thống phần mềm vừa được ra mắt sẽ giúp cơ quan quản lý của tỉnh có được các số liệu đầy đủ và chính xác về doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần hỗ trợ trong việc ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp, thị trường lao động.

Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động

Việc cung cấp thông tin về cung - cầu lao động và các thông tin liên quan đến lao động - việc làm, đào tạo nghề qua các hình thức cung cấp thông tin và qua nhiều kênh trợ giúp từ cấp tỉnh đến cơ sở đang được ngành LĐTB&XH chú trọng. Cùng với việc nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, đáp ứng việc tra cứu thông tin của doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan chức năng liên quan của địa phương.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ, việc tổ chức thu thập thông tin một cách chính xác, trung thực, chi tiết và đầy đủ là nền tảng để cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động, giúp họ có quyết định đúng đắn khi tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị khi tham gia Sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin tuyển dụng, nhất là các chính sách lao động - tiền lương, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động khi làm việc... Các thông tin này được niêm yết công khai trên cổng thông tin Sàn giao dịch việc làm, thể hiện tính minh bạch và đảm bảo lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cũng theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm, để vận hành hiệu quả, tạo lòng tin cho người lao động đến ứng tuyển, đơn vị yêu cầu các đơn vị tuyển dụng lao động khi tham gia Sàn giao dịch việc làm bố trí người làm công tác nhân sự, có thẩm quyền quyết định việc tiếp nhận lao động vào làm việc tại đơn vị mình, tránh trường hợp phân công người không có phận sự nhận tham gia tiếp nhận hồ sơ, không có kỹ năng phỏng vấn tuyển chọn lao động, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.

Không bó hẹp phạm vi trong tỉnh, Sàn giao dịch việc làm trực tuyến sẽ kết nối cung - cầu lao động theo mô hình liên kết vùng, khu vực, hạn chế tình trạng mất cân đối cung, cầu lao động cục bộ. Đồng thời, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, an sinh xã hội.

Ngành LĐTB&XH cũng đang tích cực, cầu thị và cùng phối hợp với các đơn vị, địa phương để truyền thông kịp thời, lan tỏa rộng rãi và thường xuyên về các chính sách, cơ chế hỗ trợ lao động về việc làm, học nghề của Nhà nước; các chính sách, quy trình thủ tục tham gia đi làm việc ngoài nước… Vì một khi những thông tin này càng công khai, minh bạch rõ ràng càng tạo điều kiện cho người lao động tin tưởng và quyết định đúng đắn khi tham gia thị trường lao động.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG