Thương mại điện tử đang có bước tăng trưởng |
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin tạo nên sự phát triển vượt bậc trong thương mại điện tử, nhiều nền tảng kinh doanh online bắt đầu xuất hiện chiếm lĩnh thị trường, doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng có những bước nhảy vọt. Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng ấy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế cũng như có nhiều hành vi trốn thuế gây thất thu lớn cho ngân sách.
Tăng trưởng doanh thu
Theo quy định, các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử đều thuộc đối tượng khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Doanh nghiệp có nhiều công cụ tăng doanh thu trong hoạt động thương mại điện tử |
Hiện, kinh doanh online đang trở thành xu hướng. Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, thương mại điện tử, nhiều phiên livestream của một số cá nhân, cửa hàng thời trang, gia dụng, mỹ phẩm… có lượt chốt đơn liên tục mang lại doanh thu lớn cho người bán. Chưa nói, lượng bán hàng của nhiều gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử đang bứt tốc khá nhanh.
Cùng với đó, câu chuyện thúc đẩy kinh tế số hay thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng số đang được Thừa Thiên Huế hết sức quan tâm. Theo chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 15 - 20% GRDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Thừa Thiên Huế cũng đặt mục tiêu phấn đấu: tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%… Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp tăng doanh thu trên các sàn. Tuy nhiên, con số thuế mà các cá nhân kinh doanh nộp vào ngân sách có thật sự tương xứng vẫn là dấu chấm hỏi.
Theo số liệu công bố từ Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu Metric, trong năm 2023, tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 498.868 tỷ đồng, trong đó doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Riêng trong quý I năm 2024, tổng giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 79,12 nghìn tỷ đồng; 768,44 triệu sản phẩm đã được bán ra với trên 510 nghìn sản phẩm bán lẻ trực tuyến... Theo dự báo, thị trường thương mại điện tử tiếp tục đà tăng trưởng 25% mỗi năm đến năm 2025.
Ngoài các sàn thương mại điện tử hoạt động trong nước, trên hệ thống cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài do ngành thuế quản lý cũng đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài tham gia kê khai, nộp thuế.
Chưa tương xứng
Theo Cục Thuế tỉnh, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Số liệu từ Cục Thuế tỉnh cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 96 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thực hiện kê khai thuế với doanh thu đạt được là 158.954 triệu đồng, số thuế đã nộp đạt được hơn 3,8 tỷ đồng.
Theo bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp, đa dạng của hoạt động kinh doanh trên môi trường internet. Một số người bán hàng vẫn còn trốn thuế bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Qua quá trình triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bà Liên cho hay, các hành vi gây thất thu ngân sách trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể xuất phát từ hành vi bán hàng, việc cung cấp thông tin trên sàn. Việc người bán hàng trên sàn thương mại điện tử báo cáo doanh thu thấp hơn thực tế là hành vi gian lận phổ biến nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử. Người bán hàng có thể sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu doanh thu thực tế, chẳng hạn như: bán hàng qua các kênh không chính thức như: bán hàng qua mạng xã hội, tin nhắn riêng… Người bán sử dụng nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, mỗi tài khoản chỉ báo cáo một phần doanh thu thực tế, tiến hành giảm giá ảo để thu hút khách hàng, sau đó hoàn lại tiền cho khách hàng sau khi đã thanh toán.
Người bán hàng cố tình không khai thuế hoặc khai thuế với doanh thu thấp hơn mức đã đạt được, đây là hành vi vi phạm pháp luật thuế nghiêm trọng có thể bị phạt nặng nếu bị phát hiện.
Ngoài ra, theo quy định, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán hàng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, một số sàn thương mại điện tử vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này hoặc có thực hiện thì dữ liệu thông tin vẫn còn chồng chéo chưa chính xác, khiến cho việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn.
(Còn tiếp)