Họa sĩ Duy Hiền |
Nghệ sĩ Văn Thanh, một người gắn bó với Festival Huế nhiều năm tâm sự: “Văn nghệ sĩ Huế là những chiến sĩ lặng thầm, họ dốc tâm can không chỉ trong những ngày sôi nổi khi lễ hội diễn ra, mà hầu như, khi ánh đèn sân khấu của festival này vừa tắt thì những lo lắng cho sự thành công của festival tiếp theo đã bắt đầu…”. Ngọn lửa nghệ thuật ấy âm ỉ cháy để những ý tưởng hình thành, để có những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, “Phố tranh” của họa sĩ Nguyễn Duy Hiền góp mặt cho festival với những nét đặc trưng mà không phải vùng miền nào cũng có được.
Họ - những văn nghệ sĩ Cố đô, từ người nhạc sĩ đến nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư… mỗi người mỗi vẻ, bằng tài năng, sự nhiệt tình theo cách riêng của mình hướng tới cái chung, góp phần làm nên thành công của Huế trong mỗi kỳ festival. Tùy vào chủ đề của từng festival, những lễ hội truyền thống được phục dựng, những công trình kiến trúc, phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật, phòng triển lãm ảnh, những cuộc thi âm nhạc, đêm thơ… được các hội văn học nghệ thuật Cố đô tổ chức sôi động nhưng không kém phần lắng đọng bên cạnh những chương trình chính của lễ hội.
Cứ vậy, mỗi kỳ festival là dịp để các văn nghệ sĩ Cố đô thể hiện tình yêu của mình với quê hương qua các tác phẩm nghệ thuật mà rõ rệt nhất là những tác phẩm hội họa như tranh vẽ, điêu khắc, sắp đặt… Càng gần thời điểm festival mở ra, các cuộc triển lãm hội họa tôn vinh nét đẹp quê hương xuất hiện càng nhiều. Năm nay, trước giờ khai cuộc không lâu, họa sĩ Nguyễn Duy Hiền đã góp một “nốt nhạc vui” với triển lãm “Phố tranh Festival”.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010, “Phố tranh Festival” trở thành điểm đến của những người yêu hội họa vào mỗi mùa festival Cố đô. Họa sĩ Nguyễn Duy Hiền (1966) cho biết, triển lãm này được ông mở ra nhằm hướng đến việc để người dân và du khách trong, ngoài nước đến Huế đều có thể thưởng thức nghệ thuật. Tranh của “Phố tranh Festival” chủ yếu là những tác phẩm tôn vinh hình ảnh quê hương, hình ảnh con người Thừa Thiên Huế. Từ sự “đơn độc” của họa sĩ Duy Hiền, hiện hoạt động này đã thu hút nhiều cây cọ đến từ ba miền đất nước, họ là họa sĩ tự do, học sinh – sinh viên mỹ thuật và cả những họa sĩ nhí đến từ các trung tâm nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
“Festival Huế là một lễ hội lớn thu hút được nhiều du khách đến tham gia, đặc biệt là du khách quốc tế. Mình là người con của Huế, là họa sĩ sống ở Huế và rất yêu Huế, "Phố tranh Festival" được mình tổ chức như một bảo tàng cộng đồng để tất cả mọi người đều có thể thưởng thức", họa sĩ Nguyễn Duy Hiền cười nói. Hoạt động này không chỉ thu hút nhiều nghệ sĩ hưởng ứng mà còn được đông đảo tầng lớp người dân quan tâm, thưởng lãm… ít nhiều để lại ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan Cố đô trong dịp này. Không có lợi nhuận, rủi ro như hư hay mất tranh lại cao, thế nhưng trong 12 năm qua Nguyễn Duy Hiền vẫn đều đặn tổ chức “Phố tranh” vào mỗi dịp festival. Và tất cả đến từ tình yêu to lớn của họa sĩ, của bạn bè ông đối với Cố đô Huế.
Là thành phố nổi tiếng về thơ ca, từ đầu năm, các đêm thơ, như “Khai hội Sắc Xuân”, “Hương sắc mùa xuân”… được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Hội thơ Hương Giang… tổ chức thu hút những tâm hồn đồng điệu về thơ ca, tạo nên nét trữ tình riêng của vùng đất Cố đô, đồng thời, các hoạt động này đều hướng về festival. Bằng cách riêng của họ, các nhà thơ, nhà văn xứ Huế đưa những tác phẩm, sáng tác văn học của mình đến gần hơn với công chúng bằng một “kênh” chung, đó là “những hoạt động nghệ thuật đón đầu chào mừng Festival Huế 2024”.
Ở lĩnh vực kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trường đại học Khoa Huế học tổ chức “Festival Sinh viên kiến trúc lần thứ XIV”, một trong những hoạt động chuyên môn có quy mô toàn quốc của những kiến trúc sư tương lai. Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức tại Huế, đúng năm Festival Huế diễn ra. Được tổ chức hai năm một lần, năm nay Festival Sinh viên kiến trúc có 26 đơn vị trên toàn quốc cùng 3 đơn vị quốc tế đến từ Thái Lan, Nhật Bản đã hội tụ tại Cố đô Huế để làm ấn tượng hơn cho Festival Huế 2024.
Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh, Chủ tịch Hội Âm nhạc tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh những văn nghệ sĩ hoạt động tự do, rất nhiều người thuộc các cơ quan, địa phương, các đoàn nghệ thuật tham gia festival như hoạt động chuyên môn, là nhiệm vụ”. Như những nghệ sĩ sân khấu, nghệ sĩ múa đến từ các Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế… họ sẵn sàng phục vụ các hoạt động trong festival nếu được yêu cầu. Theo anh Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, năm nay Nhà hát được giao việc biểu diễn tại đêm khai mạc cho Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế 2024. “Chúng tôi luôn đặt mình trong cơ chế tập luyện một cách kỹ lưỡng các tiết mục được giao và khẳng định sẽ hoàn thành tốt công việc, giúp cho Festival Huế 2024 có được màn mở đầu ấn tượng nhất đối với các du khách trong và ngoài nước đến tham dự”, anh Linh cho biết.
Bằng nhiều cách, các văn nghệ sĩ Cố đô đều đóng góp cho Festival Huế theo cách riêng của mình, nhất là khi Festival Huế trở thành Festival Bốn mùa. Hoạt động của họ rải đều quanh năm với các chương trình nghệ thuật như triển lãm tranh, ảnh, hội thơ, các trại sáng tác văn học, âm nhạc, mỹ thuật,… tất cả đều hướng tới sự thành công của mục tiêu xây dựng “Huế - thành phố Festival”.