Khen thưởng đột xuất giao dịch viên của Vietinbank chi nhánh Thừa Thiên Huế |
Nhân viên ngân hàng nhập cuộc
Các hành vi lừa đảo chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi từ giả danh những cơ quan chức năng như: Công an, tòa án, cơ quan thuế… nhắm vào các đối tượng dễ bị lợi dụng. Đến giả danh người thân lừa gặp những sự việc éo le cần tiền gấp… để thao túng tâm lý, dẫn dắt người dân sập bẫy.
Sự việc các đối tượng lừa đảo làm giả giấy mời của Chi cục Thuế thành phố Huế để lừa đảo gần đây là một ví dụ. Theo thông báo của Chi cục Thuế thành phố Huế, các đối tượng này làm giả giấy mời, giả mạo cán bộ thuế gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo; cung cấp đường link, hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, tích hợp căn cước công dân và mã số thuế... Từ đó, kẻ giả mạo lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện, có ít nhất 2 người đã nhận được giấy mời giả của các đối tượng lừa đảo và bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 140 triệu đồng.
Những vụ việc lừa đảo như trên chỉ được phát giác khi người bị lừa đã chuyển khoản thành công và trình báo với lực lượng công an. Tuy nhiên, lúc ấy, sự việc đã xảy ra và để lại hậu quả. Việc phát giác hành vi lừa đảo ngay từ đầu giúp người dân hạn chế được thiệt hại được xem là quan trọng nhất. Trong đó, đội ngũ giao dịch tại các ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng. Câu chuyện các giao dịch viên ngân hàng nhận thấy các dấu hiệu khả nghi trong giao dịch của khách hàng, từ đó báo cáo với lãnh đạo ngân hàng, lực lượng công an ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo qua tài khoản ngân hàng thời gian qua là minh chứng cho những vấn đề này.
Ngay trong những ngày cuối tháng 5/2024, giao dịch viên VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế, Trần Thị Kiều Oanh đã ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền của khách hàng qua tài khoản lừa đảo. Cụ thể, khi thấy khách hàng vào rút tiền tiết kiệm trước hạn với tâm trạng lo lắng, nhân viên ngân hàng đã kịp thời hỏi han và nắm bắt nhu cầu chuyển tiền của khách hàng. Khi thấy các dấu hiệu bất thường của khách hàng, giao dịch viên đã kiểm tra trên hệ thống và nhận thấy tài khoản thụ hưởng có dấu hiệu khả nghi. Giao dịch viên đã báo cáo lãnh đạo phòng và lãnh đạo chi nhánh cùng mời khách hàng vào làm việc riêng để phân tích tình huống; đồng thời hướng dẫn khách hàng đến công an phường nơi khách hàng thường trú để khai báo sự việc. Nhờ vậy đã ngăn chặn kịp thời hành vi chiếm đoạn tài sản.
Trước đó, giao dịch viên của Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng đã kịp thởi ngăn chặn một sự việc tương tự khi khách hàng đến rút tiền trước hạn.
Tăng cường hoạt động truyền thông
Theo lãnh đạo Vietinbank chi nhánh Thừa Thiên Huế, ngân hàng thường xuyên tuyên truyền và cập nhật các hình thức lừa đảo cho đội ngũ nhân sự cũng như khách hàng của Vietinbank thông qua nhiều hình thức truyền thông khác nhau. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự cũng được đào tạo, tập huấn rất nhiều kỹ năng giao dịch và nắm bắt tâm lý khách hàng, nhờ đó đã góp phần trong nhận diện các tình huống khách hàng bị lừa đảo trong quá trình tiếp xúc với khách hàng.
Câu chuyện tăng cường bồi dưỡng cập nhật kiến thức về phòng, chống tội phạm trong thanh toán, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trực tuyến... cho cán bộ, nhân viên các tổ chức tín dụng được chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhắc nhiều trong các văn bản chỉ đạo điều hành của mình.
Cụ thể mới đây, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phòng, chống tội phạm trong thanh toán, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trực tuyến... cho cán bộ, nhân viên để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cả khách hàng và ngân hàng. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, cảnh báo khách hàng về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo; hướng dẫn khách hàng về đảm bảo an ninh, an toàn khi giao dịch trên môi trường điện tử; khuyến cáo với khách hàng về các việc nên làm và không nên làm, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng dịch vụ để tránh rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.
Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả khách hàng lẫn cán bộ ngân hàng, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã có một cách làm hay nhằm động viên cán bộ ngân hàng trong ngăn chặn lừa đảo. Đó là khen thưởng đột xuất cho giao dịch viên Trần Thị Kiều Oanh, Vietinbank chi nhánh Thừa Thiên Huế vì đã ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền của khách hàng qua tài khoản lừa đảo. Đây được xem là động thái kịp thời động viên, khích lệ cán bộ ngân hàng cùng tham gia vào phong trào ngăn chặn các hành vi lừa đảo.
Nói như ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, người tiếp cận khách hàng đầu tiên là người quan trọng nhất trong phát hiện và kịp thời ngăn chặn các tình huống lừa đảo. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước mong muốn mỗi cán bộ giao dịch nói riêng và toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng nói chung phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nâng cao uy tín của ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng cần có chính sách tuyên dương, động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cán bộ ngân hàng có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo qua tài khoản ngân hàng...