Ngắm tranh 

Ngoài trời nóng như đổ lửa nhưng tại Liễu Quán, không khí thật dịu mát và an lành. Tôi hữu duyên gặp họa sĩ Trần Hữu Nhật tại không gian triển lãm, người tôi từng biết qua những bài báo viết về những ý tưởng nghệ thuật rất táo bạo.

Anh để tóc dài, đội mũ lưỡi trai, phong thái rất ung dung và tự tại. Anh mang đến triển lãm  tác phẩm “Đường xưa mây trắng”, lấy cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng kể về cuộc đời Đức Phật của thiền sư Thích Nhất Hạnh và 2 bức họa “Một cõi đi về”, “Đóa hoa vô thường”, lấy cảm hứng từ những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi không hiểu nhiều về hội họa nhưng cảm giác một sự giải phóng tư tưởng mãnh liệt trong các tác phẩm của anh.

Họa sĩ Trần Hữu Nhật 

Anh trò chuyện về khoa học, tâm linh, nghệ thuật và mối quan hệ đặc biệt giữa chúng, về niềm đam mê đặc biệt với hội họa trừu tượng. Anh luôn cảm thấy may mắn vì được làm một người nghệ sĩ và cống hiến hết mình cho nghệ thuật và xã hội.

“Tại đây, mọi người cùng đóng góp vào vườn hoa đa sắc mang đề tài Phật giáo. Mọi người sáng tác về chân dung Phật, về hạnh của Phật, về hoa sen, về người tu tập, về các pháp tu hoặc đôi khi chỉ là những mảng màu. Tôi thấy vui vì số lượng các triển lãm mỹ thuật ở Huế, đặc biệt là các triển lãm về đề tài Phật giáo đang phát triển”, anh chia sẻ

Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật 110 tác phẩm của 24 tác giả là họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ mọi miền đất nước: họa sĩ Trần Hữu Nhật, họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, họa sĩ Mai Châu, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, họa sĩ Đặng Mậu Tựu,…. Các tác phẩm đa dạng về thể loại và cách thức thể hiện, gồm tranh sơn mài, gốm, đồng, đá cuội, tranh lụa,…

Chủ đề xuyên suốt triển lãm lần này là hoa sen, một loài hoa thanh tao, thuần khiết biểu trưng cho tinh thần Phật giáo và văn hóa tâm linh Cố đô qua các tác phẩm: “Vũ điệu sen”, “Vùng tráng lệ”, “Giao hưởng trắng”, “Sen pháp lam”, “Dấu tịnh”, “Vọng xưa”, “Miền hạnh phúc”, “Chuyện của sen”.

Ngay giữa không gian triển lãm là một bình sen trắng rất đẹp và một lá sen lớn bằng đá. Bên cạnh đó còn có những tác phẩm về những biểu tượng Phật giáo khác, như những bức tranh về tượng Hộ pháp, chư vị Tổ sư, những tác phẩm hàm chứa triết lý Phật giáo, như “Tìm đến cái không”, “Bước chân hành giả”, “Thị hiện”, “Thong dong”, “Tọa thiền”,…; những tác phẩm mô tả đời sống thường nhật: “Nông tịnh”, “Liên Ngư”, “Giao lộ”, “Hoa đăng”,…

Triển lãm “Văn hóa Phật giáo - Festival Huế 2024” giúp khán giả có cái nhìn toàn cảnh về sự ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo trong muôn mặt đời sống xã hội. Bên cạnh những chương trình biểu diễn sôi động của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, triển lãm Phật giáo như một khoảng nghỉ trầm lặng trong bản hòa âm đa sắc Festival Huế 2024.

THỤC ĐAN