Khu vườn của gia đình HS Thân Văn Huy ở Thanh Tiên trong một kỳ Festival Huế. |
Sinh ra và lớn lên ở Huế, cứ mỗi độ gần tết là tôi lại bắt gặp những người đàn ông vác những chiếc cọc tre, phần trên bện rơm và cắm tua tủa những cành hoa bằng giấy đủ màu xanh đỏ tím vàng tỏa đi khắp nơi. Nghe người lớn bảo hoa của miệt Thanh Tiên mang lên bán để cho người ta cúng trang Ông, trang Bà, ông Địa, am cảnh... Thú thật thằng con nít là tôi lúc ấy không cảm thấy ấn tượng chút nào với những cành hoa giấy ấy, ngoại trừ sự háo hức khi biết chắc là tết sắp về.... Sau này thì hoa nhựa, hoa vải vừa bền vừa đẹp ào về soán ngôi, những cây hoa giấy Thanh Tiên cũng vì thế mà dần thưa vắng…
HS Thân Văn Huy (trái) giới thiệu bánh ú tro, nước lá quê anh với khách thăm. |
Về Thanh Tiên hôm ấy, cũng là dịp mà tôi được gặp họa sĩ (HS) Thân Văn Huy lần đầu tiên. Anh học hành, lập nghiệp, lấy vợ, dựng nhà ở trung tâm TP. Huế. Còn ngôi nhà đang tiếp chúng tôi là của cha mẹ anh. Nghe Huế tổ chức festival, anh nung nấu ý tưởng phải làm gì đó cho nghề hoa giấy của quê hương sống lại, giúp cho người dân quê anh sống được với nghề. Vậy là anh về sắp dọn lại mảnh vườn và ngôi nhà của cha mẹ, biến nơi đây thành một sân chơi nghệ thuật với toàn hoa và hoa. Tất nhiên là hoa giấy truyền thống của làng anh. Với con mắt và bàn tay của người họa sĩ, anh đã cho những cành hoa giấy tung tăng nhảy múa khắp khu vườn, trên tiền sảnh, trước hồ nước, trong nhà thờ… khiến ai đến cũng bất ngờ và trầm trồ thán phục. Nhiều người khi rời đi còn mua theo vài cành để về lưu niệm.
Hôm ấy, trong ngôi nhà của mình, HS Thân Văn Huy mời tôi, bác sĩ Bùi Minh Đức, nhà văn Xuân Hoàng… thưởng thức bánh ú tro, uống nước lá. Bên những bát nước hết đầy lại vơi, anh say sưa nói về nghề hoa giấy và những khát khao, những ý tưởng của mình. Chúng tôi ngồi nghe, cảm thấy vui lây và mong cho những dự định tốt đẹp của anh sẽ thành hiện thực; làng Thanh Tiên lại rộn ràng lấp lánh sắc hoa...
HS Thân Văn Huy (giữa) tiếp những người bạn trong ngôi nhà của gia đình ở Thanh Tiên-Phú Mậu tại Festival Huế 2006. |
Nhưng đời không có gì là dễ dàng cả. Sau festival, nhiều lần về lại Thanh Tiên tôi chỉ bắt gặp cảnh vắng lặng đến nao lòng. Những cánh hoa chỉ lại trở về rộn rã khi festival đến kỳ đáo hạn. Trong một lần như thế, tôi hỏi HS họ Thân anh cảm giác thế nào, có cơ hội nào cho nghề hoa giấy truyền thống... HS cười buồn: Không đơn giản như những gì mình tưởng. Và anh thú thật là bắt đầu có cảm giác nản, chưa biết mùa festival sau có còn nhiệt huyết để tham gia không. Nghĩ đến cảnh trống vắng khi về với Thanh Tiên ở mùa sau, mùa sau nữa, chợt nghe một chút nao nao hẫng hụt trong lòng…
Rồi festival đáo hẹn, tôi lại về với Phú Mậu, Thanh Tiên, và vỡ òa vui khi ánh mắt được chạm gặp cả khu vườn hoa giấy rộn rã sắc màu, bắt gặp hình dáng nhỏ nhắn, hiền lành của người họa sĩ họ Thân tất bật với bạn, với khách, với những người yêu nghệ thuật, yêu văn hóa truyền thống trong ngôi nhà xưa cũ. Thì ra nói vậy thôi, chứ với nỗi thao thức, đau đáu với di sản của tiền nhân, Thân Văn Huy đâu dễ bỏ buông những gì vẫn hằng ấp ủ.
Một bức ảnh lưu niệm cùng HS Thân Văn Huy trước sân nhà. |
Trời không phụ lòng người, với tất cả tâm huyết, sự nỗ lực, trì chí, và kỹ năng của người làm mỹ thuật, cuối cùng thì ngày vui cũng đến. HS Thân Văn Huy đã phục dựng và nâng tầm thành công nghề làm hoa sen giấy; làm sống dậy một làng nghề truyền thống nơi ngã ba Sình ở hạ nguồn sông Hương huyền thoại. Thanh Tiên - Phú Mậu dần trở thành một địa chỉ yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến Huế. Và những cành hoa giấy giờ đây dường như không thể vắng bóng trong các dịp lễ hội. Hoa còn theo chân du khách vươn ra mọi miền, thậm chí vượt biên giới quốc gia để đến với nhiều nơi trên thế giới.
Một mùa festival nữa lại về, đây là festival đầu tiên không có mặt HS Thân Văn Huy bởi anh đang bận rong chơi nơi miền vô ưu miên viễn. Anh bây giờ thong dong không vướng bận, bởi sứ mệnh với Thanh Tiên quê hương, anh biết là anh đã hoàn thành một cách viên mãn…