GS Hattori Tadashi cùng ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân vùng cao |
Háo hức chờ mổ
Tham gia cả hai chuyến phẫu thuật, chúng tôi cảm nhận được sự mong đợi, háo hức của bệnh nhân, bởi họ khát khao nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy cháu con sum vầy, được trồng trọt, chăm lo nương vườn. Với những đồng bào vùng cao còn khó khăn đó là niềm mơ ước lớn lao. Từ sớm, người nhà cùng bệnh nhân đã tề tựu chờ đón đoàn y, bác sĩ từ Huế lên. Trong số 150 bệnh nhân được mổ miễn phí có những trường hợp rất đặc biệt như có người trăm tuổi, hai mẹ con, hai vợ chồng…
Bà Nguyễn Thị Như cùng chồng là ông Trần Minh Xíu, ngoài 70 tuổi, người dân tộc Ka Tu đều ở xã Hương Hữu, Nam Đông. Cùng được mổ mắt đợt này, ông bà vui lắm. Năm 2022, sau đợt bị ngã, mắt ông Xíu kém dần, chỉ loanh quanh trong nhà phụ vợ việc vặt. Từng về thành phố khám nhưng ông Xíu không mổ được do huyết áp và sức khỏe kém. Vợ ông một mắt trái cũng bị đục thủy tinh thể, sinh hoạt khó khăn. Trong lúc ngồi chờ vào phòng mổ, bà Như nói: “Nếu mắt nhìn rõ, mình sẽ lại làm vườn và lên nương rẫy phụ giúp các con. Mình sợ trở thành gánh nặng cho gia đình lắm. Gia đình không có điều kiện để về thành phố phẫu thuật, giờ được mổ tại chỗ, đỡ tốn kém, nhanh về nhà. Cảm ơn các bác sĩ và đoàn chuyên gia nước ngoài nhiều”.
Tương tự ông Hồ Văn Sự, 80 tuổi ở xã Thượng Lộ, Nam Đông được mổ mắt bên phải. Vợ mất đã lâu, một mình ông thui thủi lo cơm nước, đi lại hạn chế vì một mắt không còn nhìn thấy nữa. “Tui nhớ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Ka Tu, nhớ đồng ruộng. Mổ xong tui sẽ trở lại với công việc mà mình yêu thích”, ông Sự chia sẻ.
Tại vùng cao A Lưới, bà Lê Thị Ninh ngoài 100 tuổi ở xã Hồng Hạ cùng con trai nằm trong danh sách phẫu thuật cùng một ngày. Gia đình có tới hai người được mổ phaco nên cả nhà kéo nhau lên bệnh viện huyện chăm sóc, hỗ trợ. Bà Ninh đi lại phải có người hướng dẫn nhưng trí nhớ bà còn minh mẫn lắm, hỏi đáp rành rọt. Bà kể: “Sống trong bóng tối lâu rồi nên không rõ mặt cháu chắt. Ngồi một chỗ nghe tiếng động là phải kêu lên ‘ai đó, đứa mô đó, làm chi đó’? Nếu sáng mắt, mẹ sẽ xem mặt từng đứa chắt một, xem ti vi, nhìn gia đình sum vầy là niềm vui cuối đời thôi”, bệnh nhân cao tuổi người Pa Kô xúc động kể.
“Bệnh nhân sáng mắt là mình vui”
Hàng chục cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên Bệnh viện Mắt và dự án được điều động tham gia phẫu thuật. Người bệnh được chăm sóc trước mổ và cấp phát thuốc điều trị, hướng dẫn phương pháp chăm sóc mắt đến khi thị lực hồi phục.
Trước đó, các cuộc khám sàng lọc diễn ra với quy mô lớn. GS. Hattori Tadashi, chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về lĩnh vực đáy mắt, thủy tinh thể. Giám đốc điều hành của Tổ chức Phòng, chống mù lòa châu Á hỗ trợ phần lớn thủy tinh thể thay thế cũng như một số vật tư phục vụ phẫu thuật. Trước chuyến đi đến Nam Đông, vị giáo sư người Nhật Bản đã mổ phaco miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Việc di chuyển đường dài liên tục khiến cho ông có chút áp lực, song hình ảnh các bệnh nhân chờ đợi cho ông thêm động lực làm việc. Ông cùng các bác sĩ kiểm tra tình trạng mắt người bệnh trước khi vào phòng mổ, ngồi bệt xuống đất hỗ trợ nhân viên phân loại thủy tinh thể nhân tạo và các loại thuốc liên quan, quan sát từng ca mổ liên tục.
Theo GS. Hattori Tadashi, không chỉ ở Thừa Thiên Huế, nhiều người dân vùng núi đời sống khó khăn bị các bệnh lý về mắt nhưng không có điều kiện phẫu thuật. Suốt 22 năm thực hiện hành trình thiện nguyện này, ông bảo rằng luôn mong mang lại cho người dân đôi mắt sáng, đúng như sứ mệnh mà Tổ chức Phòng, chống mù lòa châu Á đặt ra. Vị giáo sư có tấm lòng hào hiệp chia sẻ: “Ở vùng sâu, vùng xa chưa có chuyên khoa Mắt, chúng tôi mang theo nhiều máy móc hiện đại lắp đặt để ca mổ đạt chất lượng tốt nhất. Tôi tâm niệm bệnh nhân cũng như người thân của mình, luôn dốc hết sức để cứu chữa. Khi nghe người bệnh nghèo khó, tôi lại càng muốn giúp đỡ hơn”.
Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII. Phạm Minh Trường tuy lớn tuổi song cũng làm việc cật lực cho kịp tiến độ cùng ê kíp mổ, ăn cơm bụi và tranh thủ chợp mắt ở hành lang khu vực phẫu thuật. “Đây là hai cuộc phẫu thuật đáng nhớ của tôi với tư cách lãnh đạo Bệnh viện Mắt trước ngày nghỉ hưu. Chúng tôi tranh thủ từng giờ, từng phút bởi trong số này, nhiều người già chịu cảnh mù lòa hàng chục năm qua. Bệnh nhân sáng mắt là mình thấy vui, sá gì vất vả. Hy vọng những năm sau tôi sẽ tiếp tục tham gia chương trình ý nghĩa này với tư cách là phẫu thuật viên tình nguyện”.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho hay: “Nam Đông là huyện miền núi, có 43% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, nguồn lực để đáp ứng chăm sóc sức khỏe chuyên sâu còn khó. Việc các đoàn chuyên gia hỗ trợ phẫu thuật cho người dân là hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Tôi mong các chương trình như thế này sẽ diễn ra thường xuyên không chỉ Nam Đông mà còn ở các vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ bà con chăm sóc đôi mắt”.
Không chỉ người nghèo có đôi mắt sáng trở lại, điều đáng quý hơn, qua các đợt phẫu thuật thiện nguyện, các chuyên gia còn chuyển giao kỹ thuật điều trị nhãn khoa hiện đại cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Mắt Huế, góp phần nâng cao chất lượng điều trị về nhãn khoa cho đơn vị, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân.