Lễ hội Hoa đăng trên sông Hương trong Tuần lễ Fetival Huế. Ảnh: Ngọc Hòa |
Một ấn tượng thật khó quên của Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là sông Hương trong đêm lễ hội Hoa đăng do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, một hoạt động hưởng ứng, đồng thời quảng bá văn hóa Phật giáo Huế đến với công chúng và du khách. Sau các nghi lễ thiêng liêng được tổ chức tại Nghinh Lương Đình ở phía bắc là hình ảnh 20 chiếc thuyền rời bến tiến ra giữa dòng thả xuống Hương giang huyền thoại khoảng chừng 30.000 ngọn hoa đăng, thắp sáng lung linh trong đêm Cố đô, mang theo cầu nguyện đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, an lành và hạnh phúc cho mọi người.
Cũng tại Nghinh Lương Đình bên dòng Hương giang, trước đó chỉ một ngày là Lễ hội Ẩm thực chay do Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức. Với quy mô ở 36 gian hàng, 45 đơn vị tham gia, với hơn 72 món ăn đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trên địa bàn tỉnh, Lễ hội Ẩm thực chay mang đến cho du khách và người dân Huế trải nghiệm về sự phong phú, thể hiện nét văn hóa độc đáo, tinh tế, khéo léo của ẩm thực chay Huế. Mỗi món ăn không chỉ ngon miệng mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa, nghệ thuật của vùng đất Cố đô.
Cả lễ khai mạc và bế mạc Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đều diễn ra tại điện Kiến Trung - Đại Nội. Cũng bên trong Đại Nội còn có Lễ hội Ánh sáng, Dạ yến Hoàng cung, show ẩm thực Đêm Hoàng cung hay chương trình âm nhạc “Đối thoại Trịnh Công sơn - Tình yêu tìm thấy”. Thế nhưng, không vì thế mà đôi dòng Hương giang kém tưng bừng và rộn rã khi vẫn cảm nhận rõ ràng ở nơi đây không khí lễ hội trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.
So với trước đó 2 năm, ở bờ nam sông Hương trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 chỉ còn lại 2 sâu khấu biểu diễn nghệ thuật, ở công viên 3 tháng 2 và công viên Bia Quốc Học. Thế nhưng, với hệ thống hạ tầng đô thị dần được hoàn thiện, tạo được nhiều điểm nhấn mới gắn với các công viên được chỉnh trang, cầu gỗ lim bắc ven bờ sông và hệ thống đường đi bộ hình thành, bờ nam sông Hương trở thành điểm đến du lịch, trở nên sôi động và rộn ràng trong ngày hội Festival Huế.
Nhớ đến Festival Huế đầu tiên cách nay tròn đúng 24 năm. Huế vừa gánh chịu cơn đại hồng thủy, Hương giang ngầu đục và đôi bờ tang tóc. Thế nhưng, dòng Hương vẫn kịp thời “tỉnh giấc” để vào hội cùng Cố đô. Còn in đậm trong tôi là lễ hội giã bạn khi hàng ngàn hoa đăng được thả trên dòng Hương. Cả khúc sông dài tràn ngập ánh nến lung linh và huyền ảo. Đêm Huế bỗng mở lòng ra rộng sâu hơn và cũng lắng đọng hơn. Hơn 20 năm qua, Hương giang và Festival Huế như có nét duyên thầm, ngày càng tìm đến với nhau, từ đua thuyền, hoa đăng… mang tính truyền thống cho đến những sáng tạo mới, như Lễ hội Áo dài, Huyền thoại sông Hương... Để rồi, đến tuần cao điểm của lễ hội Mùa hạ Festival Huế 2022, sông Hương và đôi bờ là nơi dồn tụ.
Còn nhớ trong kỳ Festival Huế 2008, một lễ hội được tổ chức, mang tên “Huyền thoại sông Hương”, đưa du khách trở về một không gian xa xưa, thấm đẫm vẻ đẹp văn hóa truyền thống và những hoài niệm về một thời cung đình vàng son. Thật khó quên là trên chiều dài gần 15km, dòng sông là một sân khấu lớn có 18 điểm trình diễn. Rời bến thuyền lăng Minh Mạng, đoàn thuyền với thuyền vua và 20 thuyền rồng tháp tùng đưa 500 du khách làm cuộc hành trình du ngoạn trên sông Hương. Lần đầu góp mặt tại Festival Huế, mang ý nghĩa sâu xa hơn, những người tổ chức mong muốn chương trình Lễ hội "Huyền thoại sông Hương" trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn của thành phố Huế về lâu dài.
Bước ra từ Hương giang huyền thoại, còn có nhiều lễ hội và chương trình nghệ thuật. Có thể kể đến như lễ hội chính “Thiên hạ Thái Bình” ở Festival Huế 2012 với sân khấu nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, khoảng giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân, được xây dựng từ ý tưởng thống nhất, thái bình, Nhân dân no ấm. Hay, Festival Huế 2018 với chương trình nghệ thuật nằm trong các hoạt động của “Âm vọng sông Hương” như bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế.
Cho đến Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, có thể hình dung việc hình thành không gian lễ hội cho sự kiện tầm cỡ quốc gia và mang tính quốc tế này. Đó là Đại Nội Huế với những lễ hội và chương trình nghệ thuật mang đậm chất “cung đình”, “thính phòng” và đôi bờ sông Hương, nơi gặp gỡ và hội tụ những chương trình biểu diễn và các hoạt động hưởng ứng mà bất kỳ ai cũng có thể ghé lại để cùng xem và trải nghiệm mà không bị ngăn cách bởi những tường rào và không mất tiền mua vé. Không gian lễ hội đó chưa bị giới hạn mà theo hành trình của “Huyền thoại sông Hương” có thể kéo dài và mở rộng đến bất ngờ.