Học sinh cần đọc kỹ cấu trúc bài văn để bài làm có kết quả tốt. Ảnh: NGỌC HÒA

Cấu trúc đề thi gồm có hai phần, phần đọc hiểu và phần làm văn. Học sinh đã làm quen với cấu trúc này qua đề thi các năm trước, đề tham khảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo ngày 22/3/2024, và đã được trải nghiệm dạng đề này trong các lần thi thử, trong quá trình giảng dạy của thầy cô. Quan trọng là học sinh phải có kỹ năng làm bài phù hợp với từng phần, từng câu hỏi.

Ở phần đọc hiểu, đề chọn ngữ liệu là một đoạn thơ (bài thơ) hoặc đoạn văn (văn bản), sau đó yêu cầu thực hiện bằng cách trả lời 4 câu hỏi với các cấp độ khác nhau: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Để đạt được điểm cao cho phần này, học sinh cần đọc kỹ, trả lời ngắn gọn và trọng tâm từng câu hỏi. Câu 1 và 2 thường ở dạng nhận biết, tái hiện nên các em cần đọc để tìm và trả lời đúng từ, ngữ trong ngữ liệu đề bài. Thực tế khi làm phần này, rất nhiều học sinh trả lời thiếu trọng tâm; viết quá dài, không cần thiết. Nên dành thời gian cho phần này khoảng 25 phút.

Ở phần làm văn, có 2 câu, câu 1 là viết một đoạn văn nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ. Ở câu này, để “ăn chắc” điểm, học sinh cần xác định trọng tâm vấn đề cần nghị luận. Vì dung lượng bài làm khoảng 2/3 trang giấy nên người viết không nên dàn trải, cần xoáy vào yêu cầu để triển khai ý. Bài làm ít nhất có một dẫn chứng. Ở câu này, học sinh cần dành từ 20 đến 25 phút để hoàn thành.

Câu 2 trong phần làm văn chiếm số điểm cao nhất là 5,0 yêu cầu viết bài nghị luận văn học phân tích, cảm nhận đoạn trích, nhân vật… trong tác phẩm văn học đã học ở sách giáo khoa ngữ văn 12. Muốn làm tốt bài văn thì nhất thiết phải đọc kỹ tác phẩm. Phải đọc nhiều lần để có những rung cảm thẩm mỹ về tác phẩm đó. Đọc để nắm hoàn cảnh ra đời, cảm xúc chủ đạo, đề tài, nội dung và nghệ thuật khái quát của tác phẩm. Đọc để phát hiện ra cái tứ của nó. Đọc để khơi gợi cảm xúc và có cơ sở khai thác sâu vào tác phẩm... Khi đọc cần dùng bút màu để tô, để gạch chân dưới những câu, những từ, những chi tiết đặc sắc trong tác phẩm. Về thơ, khi đọc chúng ta cần nắm thể thơ, tứ thơ, cảm xúc trong thơ và đặc biệt là nhân vật trữ tình. Về tác phẩm văn xuôi, khi đọc cần phải nắm được cốt truyện, tình huống truyện, hệ thống nhân vật, cách dẫn truyện, phương thức phản ánh cuộc sống, hình tượng nghệ thuật.

Một bài văn được đánh giá cao phải bảo đảm đủ ý và có lối viết trôi chảy, lôi cuốn. Đó chính là hai yêu cầu về lượng và chất của một bài văn. Yêu cầu ý nghiêng về nội dung, hệ thống luận điểm, yêu cầu chất văn nghiêng về cách trình bày, lối diễn đạt. Trong thực tế có những bài viết ý phong phú, đầy đủ, triển khai cụ thể nhưng đọc lên nghe không hay, lủng củng, vụng về trong diễn đạt tạo cảm giác nhàm chán, đơn điệu, nặng nề, khô khan, nghĩa là có lượng mà thiếu chất. Ngược lại có bài viết diễn đạt lưu loát, trôi chảy, từ ngữ dùng chuẩn xác nhưng ý quá nghèo, triển khai chưa đến nơi, đến chốn, hoặc chỉ tập trung khai thác sâu một, hai ý mà bỏ qua các ý quan trọng khác, trường hợp này là có chất mà thiếu lượng. Một bài làm văn dù ngắn, dù dài cũng phải có đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Điều này tưởng chừng không cần phải nói, nhưng sự thực là trong quá trình làm bài có rất nhiều học sinh chưa chú ý đến vấn đề này dẫn đến bị đánh giá thấp về kỹ năng làm bài.

 Để chiếm được cảm tình của người chấm đối với một bài thi thì không thể không kể đến hình thức trình bày và chữ viết. Trình bày phải sạch đẹp, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. Yêu cầu này có lẽ không đơn giản, nhưng nếu chúng ta chú ý rèn luyện và sau khi làm bài dành ít thời gian để đọc, kiểm tra lại nhằm sửa những lỗi không đáng có trong bài thì chắc chắn ta sẽ dần dần khắc phục được.

TRẦN VĂN TOẢN