Nắng nóng gay gắt đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: AFP/Laodong

Tình trạng này giết chết nhiều người hơn cả mưa bão, lũ lụt hay bất kỳ hiện tượng cực đoan nào khác liên quan đến khí hậu, và được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia, stress nhiệt xảy ra khi hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể bị quá tải, gây ra các triệu chứng từ chóng mặt, đau đầu đến suy nội tạng và tử vong; trong đó, trẻ sơ sinh, người già, người có vấn đề về sức khỏe và người làm việc ngoài trời đặc biệt dễ bị tổn thương. Cư dân thành phố được bao quanh bởi bê tông, gạch và các bề mặt hấp thụ nhiệt khác cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ước tính nắng nóng đã giết chết khoảng 500.000 người/năm, nhưng lưu ý con số thực tế vẫn chưa được xác định và có thể cao gấp 30 lần so với con số được ghi nhận hiện nay. Khi biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, mạnh hơn và thường xuyên hơn, con người trên khắp hành tinh sẽ ngày càng phải đối mặt với những điều kiện thử thách giới hạn sức chịu đựng của con người. Nhiệt độ có thể là thông số dự báo thời tiết được sử dụng rộng rãi và dễ hiểu nhất, nhưng “mức cao tối đa” vẫn không thể hiện được đầy đủ mức tác động của nhiệt độ đến cơ thể con người.

Để xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh hơn, các nhà khoa học xem xét nhiều yếu tố bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, quần áo, ánh nắng trực tiếp và thậm chí cả lượng bê tông hoặc cây xanh trong khu vực. Tất cả những điều này đóng một vai trò lớn trong cách cơ thể nhận thức và quan trọng nhất là phản ứng với nhiệt độ cực cao.

Các nhà khoa học hồi năm ngoái cho biết chỉ cần 6 giờ tiếp xúc với nhiệt độ 35 độ C với độ ẩm 100% là đủ để giết chết một người khỏe mạnh. Trên giới hạn này, mồ hôi không thể bay hơi khỏi da và cơ thể quá mức chịu đựng.

Theo đánh giá của Chỉ số Khí hậu nhiệt toàn cầu (UTCI), tình trạng stress nhiệt cực độ dường như sẽ xảy ra khi nhiệt độ “có vẻ như” từ 46 độ C trở lên, đây là lúc cần phải hành động để tránh những rủi ro về sức khỏe, các nhà khoa học cảnh báo.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ AFP)