Gỡ bẫy, giải cứu chim trời |
Mặc dù có nhiều biện pháp xử phạt, răn đe nhưng tại một số nhà hàng ăn uống vẫn bán các món ăn được chế biến từ ĐVHD. Trong số các loài ĐVHD “vào nhà hàng” phổ biến nhất là các loài chim, kể cả một số loài chim quý. Khi nguồn “cầu” vẫn còn thì nguồn “cung” phải đáp ứng là điều gần như tất yếu. Đây chính là nguyên nhân nạn săn bắt thú rừng, các loài ĐVHD vẫn tiếp diễn và khó có thể ngăn chặn triệt để.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất tại một số nhà hàng và phát hiện hành vi tàng trữ ĐVHD phục vụ chế biến các món ăn. Đồng thời, phát hiện và đẩy đuổi nhiều trường hợp người dân vào rừng săn bắt ĐVHD, gỡ nhiều bẫy thú rừng và giải cứu, thả nhiều ĐVHD về môi trường tự nhiên.
Thông qua các hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lâm kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không nên săn bắt, tiêu thụ các loài ĐVHD. Đây là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt tiền và tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với các hoạt động săn bắt, chế biến sản phẩm từ ĐVHD, trên địa bàn tỉnh lâu nay vẫn xuất hiện tình trạng quảng cáo để kinh doanh, mua bán ĐVHD trên các trang mạng xã hội. Mặc dù hành vi vi phạm này đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn tái diễn.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, thời gian gần đây, việc săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến và quảng cáo trái pháp luật ĐVHD vẫn còn diễn ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Địa điểm diễn ra hoạt động này tập trung tại các khu dân cư, các chợ và nhà hàng, quán ăn... Đáng chú ý là hành vi quảng cáo kinh doanh, buôn bán các loài chim, quảng cáo món ăn chế biến từ chim đang gia tăng đáng kể.
Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì hành vi vi phạm, như quảng cáo các loài ĐVHD có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng.
Ngoài xử phạt hành chính, khi xem xét vụ việc, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Nhằm bảo vệ ĐVHD nói chung và các loài chim trời nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam. Tại địa phương ngày 9/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời. Các chỉ thị này đã bảo đảm hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ và xử lý vi phạm.
Từ khi chỉ thị được ban hành, chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia công tác bảo vệ các loài ĐVHD nói chung, chim trời nói riêng đã mang lại một số kết quả rất tích cực. Tình trạng vi phạm giảm đáng kể, nhận thức của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, hành vi vi phạm săn bắt, mua bán, chế biến ĐVHD vẫn còn tái diễn. Từ nay đến cuối năm 2024 và trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục ra quân tập trung xử lý mạnh, triệt để các hành vi vi phạm về săn bắt, tiêu thụ ĐVHD.