Sầu riêng được bày bán trong một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: VCG |
Cách đây khoảng 15 năm, tại Malaysia, sầu riêng rất rẻ và thường được bán trên các xe tải ven đường hoặc ở các khu chợ. Rồi sau đó, sầu riêng trở thành món ăn rất được yêu thích ở Trung Quốc, thậm chí trở thành loại trái cây thời thượng tại thị trường tỷ dân trong vài ba năm gần nay, đẩy nhu cầu về loại trái cây này tăng cao.
Theo một báo cáo của HSBC, nhu cầu toàn cầu về sầu riêng trong năm 2023 đã tăng tới 400% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc. Dữ liệu của Liên hợp quốc năm 2023 cho thấy giá trị xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc là 6,7 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với 550 triệu USD vào năm 2017. Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của thế giới. Nước xuất khẩu lớn nhất cho đến nay là Thái Lan; trong khi Malaysia và Việt Nam cũng là những nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu.
Hiện nay, các doanh nghiệp sầu riêng đang mở rộng nhanh chóng, và một số nông dân trồng sầu riêng đã trở thành triệu phú. Ông Chan – một nông dân trồng sầu riêng ở Malaysia, là một trong số đó. Bảy năm trước, ông đã bán cổ phần công ty chuyên sản xuất sầu riêng để làm bánh quy, kem và thậm chí cả pizza với giá tương đương 4,5 triệu USD, gấp gần 50 lần khoản đầu tư ban đầu của ông.
“Mọi người đều kiếm được nhiều tiền”, ông Chan nói về những người nông dân trồng sầu riêng từng nghèo khó ở Raub, một thành phố nhỏ gần thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. “Họ xây lại những căn nhà gỗ thành những căn nhà gạch ngói khang trang. Và họ có đủ khả năng để cho con đi du học ở nước ngoài”.
Theo nông dân ở các vườn sầu riêng ở Đông Nam Á, không gì có thể so sánh với “cơn sốt” sầu riêng từ Trung Quốc.
Sự gia tăng xuất khẩu sầu riêng là thước đo sức mạnh của người tiêu dùng Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù theo các thước đo khác, nền kinh tế đại lục đang gặp khó khăn. Khi một quốc gia ngày càng giàu có với 1,4 tỷ dân yêu thích một thứ gì đó, toàn bộ khu vực châu Á sẽ được định hình lại để đáp ứng nhu cầu.
Tại Việt Nam, nhiều nông dân đang chặt bỏ cây cà phê để nhường chỗ cho sầu riêng. Diện tích các vườn sầu riêng của Thái Lan đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Ở Malaysia, rừng rậm trên nhiều ngọn đồi đang bị san bằng để nhường chỗ cho những đồn điền phục vụ cho “cơn khát” sầu riêng của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ sầu riêng sẽ mang đến ‘sự bùng nổ kinh tế mới’ cho Malaysia”, ông Mohamad Sabu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này nhận định.
Với nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc, giá sầu riêng đã được đẩy lên gấp 15 lần trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á thất vọng khi thấy sầu riêng đang chuyển từ một loại trái cây dồi dào mọc hoang hay được trồng trong vườn cây của dân làng trở thành một mặt hàng xa xỉ dành cho xuất khẩu, khiến nó trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều người tiêu dùng trong nước.
Được biết, trái sầu riêng đã trở thành một trong những loại quả đắt nhất hành tinh. Tùy thuộc vào giống, một quả sầu riêng có thể được bán với giá từ 10 USD đến hàng trăm USD.
Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu từ Trung Quốc cũng đang định hình lại chuỗi cung ứng sầu riêng. Việc vận chuyển loại trái cây này bằng xe tải đến các điểm đến trong khu vực như Kuala Lumpur, Singapore hoặc Bangkok tương đối dễ dàng. Nhưng việc vận chuyển sầu riêng đến Quảng Châu, Bắc Kinh và xa hơn nữa, đặc biệt là khi sầu riêng đã chín và có hương vị thơm ngon nhất, có thể rất nguy hiểm khi mùi nồng của sầu riêng có thể giống như rò rỉ khí gas.
Malaysia đã cố gắng giải quyết vấn đề vận chuyển bằng cách đông lạnh sầu riêng trước khi vận chuyển. Một trong những người tiên phong của quá trình này là cô Anna Teo, người đã từ bỏ công việc tiếp viên hàng không và thử nghiệm kỹ thuật đông lạnh sầu riêng để xuất khẩu. Cô Teo nhận thấy việc đông lạnh không chỉ làm giảm mùi của sầu riêng mà còn giúp kéo dài thời hạn sử dụng của loại trái cây này.
Hiện nay, ở ngoại ô Kuala Lumpur, cô Teo đã thành lập một công ty với hơn 200 nhân viên, chuyên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng như bánh mochi và các sản phẩm sầu riêng khác.
Trong khi đó, Thái Lan nhiều năm nay đã vận chuyển sầu riêng tươi trong các container đông lạnh. Ngành sầu riêng Thái Lan tập trung ở tỉnh Chanthaburi, gần biên giới với Campuchia. Vào mùa thu hoạch cao điểm - tháng 5 và tháng 6, sầu riêng chất đống khắp nơi. Mỗi ngày, khoảng 1.000 container vận chuyển sầu riêng rời khỏi các nhà máy đóng gói trên khắp Chanthaburi, tạo ra tình trạng ùn tắc giao thông tương tự như ở những giao lộ nhộn nhịp tại Bangkok. Một số container được chất lên các “tàu sầu riêng”, một dịch vụ đường sắt chở hàng nối Thái Lan và Trung Quốc.
Trên khắp Chanthaburi, dấu hiệu của sự giàu có từ sầu riêng hiện diện khắp nơi: những ngôi nhà hiện đại và những bệnh viện mới không ngừng mọc lên. Hồi tháng 4, một trung tâm mua sắm ở đây đã tổ chức một cuộc triển lãm ô tô đáng chú ý.
“Khi bạn từ một tỉnh khác và đến đây, bạn sẽ nhận ra rằng những người trồng sầu riêng rất rất giàu có”, ông Abhisit Meechai, một đại lý xe hơi, cho biết khi tiếp đón những khách hàng là những nông dân trồng sầu riêng. “Họ đến với quần áo và bàn tay lấm bẩn. Nhưng họ trả tiền mua xe bằng tiền mặt”, ông nói.