Hội nghị Diên Hồng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế diễn ra ngày 20/7/1958, trong vòng 7 ngày tại làng A Đeeng, thuộc xã Bắc Sơn, huyện A Lưới. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới, là mốc son lịch sử về tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, nơi ghi dấu phong trào cách mạng ở A Lưới khởi đầu.
Địa điểm dự kiến xây dựng Bia lưu niệm Hội nghị Diên Hồng năm 1958 tại xã Bắc Sơn (cũ) nay là xã Trung Sơn |
Tại hội thảo các đại biểu, già làng và những người có uy tín đã thảo luận sôi nổi vào các nội dung mà Huyện uỷ A Lưới gợi ý, đưa ra như: Chọn địa điểm, nội dung ghi trên bia, chọn mẫu cây đa mà đồng bào dân tộc gọi là cây I ri,…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ A Lưới Hồ Đàm Giang đề nghị xã Trung Sơn phối hợp với các cơ quan tham mưu của huyện tiếp thu ý kiến của các đại biểu đề hoàn thiện phương án và công tác chuẩn bị thực hiện trong thời gian tới.
Đồng thời nhấn mạnh, dù đã qua 66 năm, nhưng ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Diên Hồng năm 1958 vẫn còn nguyên tính thời sự. Những giá trị về sự đoàn kết các dân tộc, tinh thần chống giặc ngoại xâm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, phát triển sản xuất, đến nay vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là dịp để đánh giá, nhìn nhận vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện Hội nghị Diên Hồng đối với cách mạng toàn tỉnh và cả nước lúc bấy giờ, để huyện lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận “Cây đa Diên Hồng” là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, xứng đáng với sự đóng góp của sự kiện Hội nghị Diên Hồng năm 1958.