Người dân và du khách tham quan Vịnh Marina ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
IMD cho biết, đây là lần đầu tiên Singapore được xếp hạng số 1 kể từ năm 2020, và đã có kết quả vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác như Thụy Sĩ và Đan Mạch.
Đáng chú ý, IMD đã tiến hành đánh giá 67 nền kinh tế trên toàn cầu, qua dữ liệu khảo sát và 164 dữ liệu thống kê trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 năm nay.
Theo đó, Singapore được xếp hạng cao về thị trường lao động, thái độ và giá trị, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ; tuy nhiên, nền kinh tế này lại kém cạnh tranh hơn về giá cả, sức khỏe và môi trường cũng như khuôn khổ xã hội.
Quốc gia này đã chứng kiến sự cải thiện về hiệu quả của chính phủ, hiệu quả kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Singapore cũng chứng kiến sự cải thiện trong các tiêu chí như mức độ ưu tiên mà khu vực tư nhân dành cho việc thu hút và giữ chân nhân tài có tay nghề cao, mức độ động lực của lực lượng lao động, và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trong khi đó, bảng xếp hạng của IMD cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về vị thế của Singapore trong chỉ số thị trường chứng khoán, từ vị trí thứ 28 xuống vị trí thứ 46; và trong xuất khẩu công nghệ cao (tính theo phần trăm xuất khẩu hàng chế tạo), từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 13.
Ngoài ra, IMD nhận thấy 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới được chi phối bởi các nền kinh tế nhỏ hơn, điều này đã phản ánh khả năng cạnh tranh kinh tế không phải là vấn đề về quy mô.
Trong danh sách top 10 của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới, Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận mức cải thiện hai bậc, tiến lên vị trí thứ 5, trong khi Thụy Điển tăng hai bậc để đứng vị trí thứ 6. UAE tăng ba bậc, đứng thứ 7. Đài Loan (Trung Quốc) tụt hai bậc, xuống vị trí thứ 8; trong khi đó, Hà Lan tụt xuống vị trí thứ 9. Na Uy tăng bốn bậc để trở lại top 10.
Cũng theo IMD, các thị trường mới nổi đang thu hẹp khoảng cách trong những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, số hóa và đa dạng hóa. Các nền kinh tế láng giềng của Singapore như Malaysia và Thái Lan cũng đang ổn định hoặc đang ghi nhận sự cải thiện.
Trong tất cả các yếu tố có tác động lớn nhất đến hoạt động kinh doanh vào năm 2024, báo cáo nói trên cho thấy, các nền kinh tế tham gia khảo sát xem việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (55,1%), nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu (52%), và các cuộc xung đột địa chính trị (36,1%) là 3 xu hướng hàng đầu.
Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một chuyện, nhưng việc sử dụng loại công nghệ này có thể lại là chuyện khác. Báo cáo cho rằng, một trong những thách thức chính đối với các doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào để triển khai các hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao hiệu quả, mà không gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh.
Trong đó, một thách thức liên quan là đảm bảo độ chính xác của hệ thống trí tuệ nhân tạo được lựa chọn, bởi vì các hệ thống không chính xác sẽ dẫn đến sự thiếu hiệu quả và năng suất giảm.
Trong một nhận định liên quan, ông Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh thế giới IMD, đơn vị đứng sau bảng xếp hạng thường niên kể từ khi được bắt đầu hồi năm 1989 nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, những nền kinh tế cạnh tranh nhất trong tương lai sẽ là những nền kinh tế có khả năng dự đoán và thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi này, đồng thời tạo ra giá trị và hạnh phúc cho người dân. Và điều đó cũng sẽ giúp họ bền vững”.
Ông Arturo Bris cũng cho rằng, những thách thức cạnh tranh lớn đối với các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2024 và xa hơn nữa là chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và carbon thấp, chú ý đến sự hội nhập ngày càng tăng của các thị trường mới nổi vào nền kinh tế thế giới và theo kịp chuyển đổi kỹ thuật số.