Đổi mới trang thiết bị sản xuất thực phẩm sạch ở TP. Huế

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, bền vững

Để nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các DN trong nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh ngay trên “sân nhà”, thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, sản xuất bền vững, tuần hoàn…

Dự phiên họp thứ 2 trong khuôn khổ hội nghị “Chính quyền địa phương và khu vực Đông Á” lần thứ 12 diễn ra tại Trung Quốc vào dịp cuối 10/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã trao đổi và đặc biệt rất quan tâm đến chủ đề: “Chuyển đổi và phát triển theo hướng xanh”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, lâu nay Thừa Thiên Huế luôn xác định ưu tiên áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng TTX, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và năng lực chống chịu, ứng phó BĐKH ở địa phương. Với những hoạt động này vừa phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh, vừa bám sát định hướng mà Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; cũng như các tiêu chuẩn cao từ các nước trên thế giới đối với hàng hóa.

TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ, các DN hiện nay có tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính, như: Phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ… Vấn đề TTX sẽ là động lực nhưng cũng sẽ là lực cản nếu DN chậm triển khai kế hoạch cụ thể và thay đổi nhận thức, nhất là thay đổi hành vi trong việc chuyển dịch mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, chuyển dịch năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo…

Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Thừa Thiên Huế - Trần Đức Tôn cho biết, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao. Nắm bắt nhu cầu thực tế hiện nay, đơn vị này đã quan tâm đến các yếu tố lựa chọn sản phẩm để phân phối đến người tiêu dùng, như: Bảo đảm an toàn vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, bảo vệ môi trường, giá thành hợp lý... Hiện, công ty đang SXKD gạo sạch hữu cơ, nuôi trồng thực phẩm sạch và mở rộng thêm mô hình nhà hàng ăn uống kết hợp bán các nông sản, thực phẩm sạch cho khách hàng gần xa.

Sớm tháo gỡ các rào cản

 Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển kinh tế TTX. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những rào cản cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy, đảm bảo mục tiêu TTX. Cụ thể là những chính sách về đầu tư xanh, thương mại xanh, công nghệ xanh, hạ tầng xanh, nông nghiệp xanh, pháp lý xanh… hiện nay chưa rõ ràng. Giữa các luật, giữa luật với nghị định vẫn còn “vênh”, bất cập. Chẳng hạn về cơ chế khuyến khích tái sử dụng chất thải hiện chưa có hướng dẫn thực hiện, nhất là vấn đề tái sử dụng nước thải công nghiệp sau khi đã qua xử lý. Bên cạnh đó là chuyện về phát triển năng lượng tái tạo, lắp đặt điện năng lượng mặt trời… nhiều DN đang “bó tay” vì quy trình, thủ tục phức tạp.

Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, để Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế xanh của miền Trung và cả nước, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý, chính sách đầu tư xanh rõ ràng, minh bạch. Cụ thể là đầu tư vào năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đồng thời, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các tổ chức tham gia vào tín dụng xanh, cung cấp nguồn vốn xanh cho DN để đầu tư vào sản xuất bền vững.

Mấy năm gần đây, khách hàng nước ngoài khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đều yêu cầu sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Trong đó, những sản phẩm sản xuất theo mô hình tuần hoàn, sản phẩm xanh thường được ưu tiên đặt đơn hàng nhiều.

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, nhiều tập đoàn nước ngoài đang muốn đầu tư vào Thừa Thiên Huế các DA năng lượng tái tạo, đô thị xanh, công nghiệp xanh… nhưng cần có chính sách rõ ràng, ổn định lâu dài. Đồng thời, các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ đợi các cơ chế, chính sách về tài chính xanh thông thoáng sẽ rót vào Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung hàng tỷ USD cho các DN trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics…

Theo các chuyên gia kinh tế, Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung đã chịu tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19, xung đột chính trị. Kinh tế của vùng dù đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn chậm, tăng trưởng GRDP chưa cao. Ngoài nguyên nhân nêu trên còn do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Hiện nay cũng như những năm tới, Thừa Thiên Huế cần đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh các DA kết nối hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại. Từ đó tạo động lực thu hút đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để tăng tốc hướng đến TTX, phát triển bền vững.

Giải pháp cho tăng trưởng xanh

Từ cuối tháng 5/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 do Hàn Quốc chủ trì, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng cho TTX, gồm: Phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp quốc gia và toàn cầu; chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp; quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội; nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH; ngăn chặn dịch bệnh, phục hồi kinh tế; các quốc gia nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của nhân loại.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX, Thừa Thiên Huế đã triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xanh để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.

Bên lề hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2065 vào tháng 4/2023, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, TTX là xu hướng của toàn cầu và Việt Nam không ngoại lệ. Thừa Thiên Huế được Chính phủ xác định đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh nên cần triển khai nhanh, mạnh mẽ hơn Chiến lược quốc gia về TTX. Từ đó, liên kết, thúc đẩy các vùng kinh tế khác cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, DN, người dân cùng chung tay thực hiện. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ nên ứng dụng công nghệ mới và sạch, ĐMST trong sản phẩm, tổ chức quản lý, quy trình sản xuất, cấu trúc lại thị trường, tiêu dùng mới.

Tháng 5/2024 vừa qua, tại hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại TP. Huế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực miền Trung sẽ tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại. Trong đó, Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành lân cận sẽ lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm để tăng trưởng quan trọng về công nghiệp; dịch vụ, du lịch cao cấp… Theo đó phải huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thừa Thiên Huế hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong, ngoài nước. Sản phẩm, trải nghiệm du lịch ở địa phương khá đa dạng với nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, bền vững, như du lịch biển, đầm phá; du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, du lịch vườn, du lịch trải nghiệm cảnh quan, khám phá di tích lịch sử…
Bài, ảnh: MINH VĂN - HOÀI THƯƠNG