Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH cung cấp

Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và thống nhất khẳng định đây là một Chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết và được thực hiện trên quy mô cả trongnước (bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước) và một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó chứng tỏ rằng Chương trình này có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. Do vậy, bà Sửu cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc, nhóm lại vấn đề làm sao thể hiện được bản chất của lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu này. Đó là tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư; tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra; tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Về lộ trình hay thời gian thực hiện chương trình, Chính phủ đã đề nghị chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể là năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư. Giai đoạn 1 theo kỳ trung hạn 2026-2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035: Tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, trong nhiệm vụ và giải pháp lại không thể hiện rõ những vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra là gì để mà giải quyết và bố trí nguồn lực.

Liên quan đến dự kiến kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Chương trình cho cả gia đoạn 10 năm với tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, bà Sửu đánh giá khó khả thi khi quy định tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6%, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế  - xã hội khó khăn mặc dù có cơ chế hỗ trợ từ NSTW theo thứ tự nhận bổ sung cân đối từ cao xuống thấp. 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu thống nhất với việc đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, song, nữ đại biểu cho rằng, nội dung này chưa được quy định trong Luật Đầu tư công hiện hành. Mặt khác, trong báo cáo của Chính phủ chưa rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện; trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tiêu chí, điều kiện và xác định ngành cần ưu tiên phát triển…

NGỌC NHI