Trời càng nắng nóng, hoa càng thắm thì lá càng xanh, tôi nhận ra điều ấy khi dừng chân nghỉ mệt trong một chiều chạy bộ ở công viên cồn Dã Viên. Những vạt hoa màu đỏ, màu vàng được trồng ven sông rung rinh trong gió, sát mép nước là triền cỏ xanh mát mềm, sông Hương ở thật gần, như có thể đưa tay ra là vớt được ngàn tia nắng chiều lóng lánh trên mặt nước. Gió từng cơn mát rượi, mùa hè ở đây thật yên bình, tự nhiên lòng muốn thốt lên hai tiếng “Cảm ơn”. Cảm ơn dòng Hương, triền cỏ xanh, vườn xanh, lá xanh hoa thắm đang trải dài miệt mài dọc đôi bờ là nhờ nước mát của sông. Cảm ơn những dòng sông trong lòng thành phố đã góp phần làm tươi đẹp cuộc đất này để mùa hạ về, đi trong phố, bỗng thấy mình là một “nhân vật” đang di chuyển trong “bức tranh” rộng lớn với những sắc màu tuyệt vời của họa sĩ vĩ đại: Mẹ thiên nhiên.

 

Trong các màu hoa thắm nhất của mùa hạ, đứng đầu có lẽ gọi tên phượng vĩ. Phượng vĩ “đứng” ở đâu, cả không gian quanh đó bừng sáng, đẹp như một bức tranh. Nói đến phượng vĩ là nói đến tuổi học trò, bởi lẽ mùa hoa phượng nở cũng là thời gian kết thúc một năm học. Qua mùa hoa, mỗi bạn học trò sẽ lên một lớp, mùa hoa phượng trở thành mùa kỷ niệm, đặc biệt đối với học trò cuối cấp, hết mùa hoa phượng là rời xa mái trường, bước vào không gian mới, bạn bè mới, thầy cô mới, nên lưu luyến lắm. Ngày thường cứ nghĩ cây phượng già trong sân trường nở hoa là đương nhiên phải nở, đến khi sắp sửa ra trường mới biết thương nhớ trường cũ, biết bồi hồi khi chia tay trường cũ, biết yêu quý từng gốc cây, ghế đá, cửa sổ lớp học và còn bao nhiêu kỷ niệm học trò cất giấu dưới hộc bàn... Và hoa phượng cũng trở thành một người bạn thân khi được các thế hệ học trò ướp trong từng trang lưu bút. Màu hoa có thể nhạt phai theo thời gian nhưng nét chữ bạn bè còn đó, mãi mãi một tuổi hoa tươi đẹp.

Nhắc đến phượng vĩ ở Huế, nổi tiếng nhất là cây phượng “quốc dân” bên chân cầu Trường Tiền. Năm nay hình như mất mùa, cây có ra hoa nhưng không nhiều như mọi năm. Những người rành rẽ bảo rằng, cây lâu năm cho hoa hay cho trái, cứ một mùa được là một mùa mất. Cây cũng cần phải “nghỉ ngơi” để chuẩn bị cho mùa sau. Thiên nhiên luôn tự cân bằng cho mình như thế.

Có những loài hoa giúp cho con người cảm thấy gần nhau hơn dù cách xa ngàn trùng, phượng vĩ cũng là một loài hoa như thế. Tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách kể rằng, ban đầu, ông nghĩ phượng vĩ chỉ sống ở miền Nam châu Á nhưng sau khi đọc tài liệu, té ra phượng vĩ xuất phát từ Madagascar, một hòn đảo thuộc châu Phi. Châu Phi là quê hương của phượng vĩ. Gần gũi quá, phượng vĩ châu Phi và phượng vĩ Huế, phượng vĩ Hải Phòng, Nha Trang... Nơi nào nắng nhiều là có phượng. Biết vậy nên tôi không ngạc nhiên khi bắt gặp ở Thái Lan một cây phượng rực lên sắc màu đỏ quen thuộc trên đường đi ra ngoại ô. Chiều hôm ấy, sau gần một tháng xa nhà, bắt gặp màu hoa phượng, trong tôi bỗng nao nao dậy lên nỗi nhớ nhà. Chỉ một màu hoa cũng gợi nhớ quê hương huống chi bắt gặp hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thân một chiếc chuông đồng ở chùa Samananam Borihan ở Bangkok, cả nhóm sáu người Việt chúng tôi hôm ấy reo lên vui mừng. Tổ quốc gần gũi quá, thấy bản đồ là thấy quê hương!

Những gốc phượng già ở sân trường Hai Bà Trưng, ở sân Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế của tôi và ở bao nhiêu ngôi trường trong thành phố đã thắp lửa cho biết bao thế hệ tuổi trẻ biết ước mơ và sống với ước mơ. Sắc phượng thắm ấy in trong dòng chữ mà bạn vừa gửi về cho tôi từ thành phố núi “Rứa là tụi mình cũng đã sống trọn vẹn một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhớ mãi màu hoa phượng Huế!”.

Diệu Hà