Nguyễn Bỉnh Bạch Sa, Phó Trưởng phòng Thư ký Biên tập Đài PT-TH tỉnh - TRT: “Không ngừng học hỏi để thích nghi với phát thanh hiện đại”

Ở vị trí biên tập viên, nhưng hễ có các lớp học kỹ năng, chuyên đề, tập huấn cá nhân mình đều đăng ký tham gia. Mình quan niệm, làm báo, nhất là phát thanh, nếu không thường xuyên học hỏi, cập nhật sẽ tụt hậu. Học để ứng dụng trong công việc chuyên môn, bắt kịp xu hướng phát thanh hiện đại và có thể truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn, thích nghi khi làm việc cùng các bạn trẻ. 

Rất vui vì tác phẩm “Huế: Kinh đô xưa - Thành phố trẻ” của mình và ekip đoạt giải Nhất Giải Báo chí Hải Triều năm nay. Cũng đã lâu mới có tác phẩm phát thanh giành giải cao như vậy.

Thực tế, trong quá trình làm báo, chúng mình vẫn luôn trăn trở, làm thế nào để phát thanh bắt kịp với xu thế hiện nay và đáp ứng nhu cầu nghe nhìn ngày càng cao của công chúng; làm sao để lôi cuốn khán giả đến với chương trình, “ở lại” nghe đến phút cuối cùng… Với ý nghĩa đó, chương trình trực tiếp trên sóng phát thanh Hue Hashtags ra đời, được livestream trên các nền tảng số, mạng xã hội của Đài. Sau khi lên sóng, có những chủ đề thu hút 3.000 lượt “mắt” xem, theo dõi. Khán giả vừa tương tác trực tiếp với chương trình, vừa “like”, “thả tim”, comment – bình luận về chủ đề được quan tâm… Tác phẩm “Huế: Kinh đô xưa - Thành phố trẻ” là một trong những chương trình Hashtags như vậy.

Trong những comment của khán giả, có những lời khen ngợi, góp ý để chương trình tốt hơn, có khán giả gửi lời nhắn “tôi hóng chờ chương trình này hàng tuần”… Thực sự, đây là niềm hạnh phúc nhất của những người làm phát thanh chúng tôi. Sau khi lên sóng, Hue Hashtags cũng được một số đài địa phương tìm hiểu, học hỏi. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm nhiều hơn những chương trình mang tính tương tác cao, hướng đến giới trẻ.

 Phóng viên  Võ Đức Quang làm MC chương trình khách mời của HueTV

Võ Đức Quang, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế: “Trưởng thành hơn sau mỗi tác phẩm”

Rất may mắn sau khi ra trường, tôi có môi trường làm việc phù hợp. Dưới sự hỗ trợ của đồng nghiệp, những người đi trước, tôi đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu và dần trưởng thành. Tất nhiên với một phóng viên trẻ, luôn có những thách thức chờ đón. Nhưng bằng sự lao động nghiêm túc, không ngừng học hỏi, tôi cố gắng làm tốt nhất, hết sức có thể trong nghề nghiệp của mình, để có những tác phẩm báo chí “mang hơi thở cuộc sống”, đáp lại mong mỏi của bạn đọc về những tác phẩm báo chí chất lượng.

Tôi may mắn khi 5 năm liền đều đoạt giải Giải Báo chí Hải Triều (1 giải khuyến khích, 2 giải Ba và 2 giải Nhì, trong đó có năm nay). Với tác phẩm “Phát huy giá trị lịch sử để khai thác du lịch”, đây là đề tài ít được phản ánh, dù thực tế số lượng các di tích ở Huế được xem là đồ sộ. Bài viết có sự đầu tư. Đó là hành trình của những chuyến đi tìm đến những di tích bị “bỏ quên”. Khi đến nơi, thật sự rất “chạnh lòng” vì nhiều di tích hoang phế, bỏ hoang từ lâu. Có di tích đóng cửa không cho ai vào, dù đáng ra đây phải là điểm đến luôn được mở cửa chào đón khách tham quan.

Tôi đã trò chuyện rất lâu với người cháu của danh tướng Nguyễn Tri Phương, trong cuộc nói chuyện, ông nhiều lần rơi nước mắt vì chứng kiến di tích như thế, vì sự bất lực của chính những người trong cuộc.

Có lẽ từ những “chất liệu” thực tế và cảm xúc của người cầm bút, tác phẩm đã “chạm” đến bạn đọc và được ban giám khảo đánh giá tốt bởi sự dấn thân, phản ánh tính thời sự và những vấn đề được nêu trong bài viết.

Vui hơn là sau tác phẩm này, nhiều di tích đã được quan tâm hơn trong trùng tu, tôn tạo, chăm sóc; các cơ quan chức năng kịp thời cấp kinh phí, làm đường vào... tạo sức sống mới cho các điểm di tích. Đó cũng là tiền đề để có thể khai thác du lịch trong thời gian đến.

Quách Tiểu Bảo, phóng viên Thường trú của Truyền hình Quốc hội tại Thừa Thiên Huế: “Theo sát đề tài,vấn đề “nóng”

Gần 10 năm là phóng viên thường trú của Truyền hình Quốc hội, với vai trò cầu nối, nhiều đề tài, vấn đề “nóng” của tỉnh được chúng tôi theo sát, chuyển tải khá tốt trên TH Quốc hội như “Đề án di dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế”, “Đền bù tái định cư ở hồ Tả Trạch”… Nhưng điều quan trọng nhất, những thông tin phản ánh đã được lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành ghi nhận. Đó là những “tiếng nói” mang tính chất xây dựng, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, kiến nghị với Trung ương để góp phần giải quyết vấn đề trên địa bàn.

Tôi vẫn nhớ lần tác nghiệp về “Đề án di dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế”. Đến thăm người dân, khi họ vẫn còn ở khu dân cư Thượng thành, sau đó các hộ này ra khu tái định cư và xây nhà cửa ổn định. Khi quay trở lại tác nghiệp, họ vẫn nhớ tên phóng viên và rất vui mừng kể câu chuyện “an cư lạc nghiệp” tại nơi ở mới. Đó là điều mà cá nhân cảm thấy vô cùng xúc động, vì câu chuyện của mình không những đã chuyển tải mà còn có sự kết nối, lan tỏa.

Mới đây nhất, thông qua tin báo của người dân, chúng tôi theo dõi vụ buôn lậu thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ từ cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) về Huế. Vì thời gian khá ngắn, sợ lộ lọt thông tin khi mà mọi thứ chưa chín muồi, tôi đã trực tiếp báo cho Trưởng ban Chỉ đạo 389 của thành phố Huế và tỉnh đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời, lực lượng công an đã đến lập biên bản. Điều này nói lên rằng nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp là có, nhưng đồng thời phát đi sự cảnh tỉnh, vì hiện Huế là thành phố du lịch có rất đông du khách, mặc dù chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến thực phẩm nhưng nếu chúng ta không làm quyết liệt thì nguy cơ Huế trở thành nơi trung chuyển thực phẩm bẩn đang hiện hữu.

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của tỉnh đều nhận thức và đang nỗ lực để đạt kết quả. Phóng sự “Vận hội mới của thành phố di sản” mà chúng tôi thực hiện, cho thấy đây là nỗ lực thực sự của tỉnh. Đến nay, hầu như các điều kiện cần và đủ đã tương đối chín muồi. Điều này được Trung ương công nhận, lãnh đạo Chính phủ trong các lần đến thăm tỉnh đánh giá cao. Nó cho thấy bức tranh tổng quát cho đến thời điểm phóng sự thực hiện, Thừa Thiên Huế đang có gì trong tay và mong muốn chuyển tải thông điệp đó đến cộng đồng như thế nào. Đây thực sự là khát vọng, nỗ lực đang được tỉnh tập trung thực hiện. Bản thân tôi cũng là một công dân của Huế, tôi tin rằng điều đó sẽ đạt được nếu chúng ta vẫn tiếp tục dốc nguồn lực cũng như có sự đầu tư bài bản hơn trong thời gian tới.

Vi Quân (thực hiện)